Thành phố ‘không đèn giao thông’ muốn lắp đèn đỏ

Đà Lạt là thành phố duy nhất của Việt Nam không có đèn xanh, đèn đỏ để điều tiết giao thông. Đây vẫn được xem là nét đặc trưng của thành phố. Thế nhưng trước tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, chính quyền địa phương phải tính đến phương án lắp hệ thống đèn này.

Ngày 15/1, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Xây dựng lấy ý kiến người dân, chuyên gia giao thông, cán bộ đảng viên, cán bộ lão thành… và các sở, ngành về việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở một số điểm có mật độ giao thông cao, gắn với xây dựng phát triển đô thị thông minh trên địa bàn TP.Đà Lạt, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia giao thông cho rằng trước kia, Đà Lạt được quy hoạch với chức năng thành phố nghỉ dưỡng cao cấp với mật độ dân số thấp, do đó đường phố nhỏ hẹp, uốn lượn quanh co theo các triền đồi cho thơ mộng.

Nay dân số đã lên đến khoảng 250 ngàn người và mỗi năm đón thêm từ 4-6 triệu lượt du khách. Các phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều khiến nhiều tuyến đường bị quá tải, kẹt xe. Do đó, việc lắp đèn xanh, đèn đỏ để điều tiết giao thông là rất cần thiết.

Đường Trần Phú thường xuyên xảy ra ùn tắt.

Như Tiền phong đã phản ánh, những năm gần đây, vào giờ cao điểm hoặc các dịp cuối tuần, lễ, tết, Đà Lạt thường xuyên xảy ra nạn ùn tắc, kẹt xe, đặc biệt là trên các giao lộ ở nội ô như Trần Phú, Ba Tháng Hai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Cừ…

Đường vào các khu điểm tham quan nổi tiếng của Đà Lạt như Đường hầm điêu khắc, Hoa Sơn Điền Trang, Vườn hoa thành phố, Khu du lịch Langbiang, Thung lũng vàng… thường rất đông khách. Xe cộ nối đuôi nhau, nhích từng chút một.

Trước cổng Vườn hoa Đà Lạt.

Theo một số tài xế, nguyên nhân không chỉ do đường phố chật hẹp, khách du lịch đông mà còn vì không có đèn xanh đèn đỏ. Di chuyển theo sự hướng dẫn của các tín hiệu giao thông dẫu sao vẫn tốt hơn là trông chờ vào sự tự giác của mọi người, trong khi ý thức tự giác của người Việt không cao.

Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự phải huy động 100% lực lượng tham gia điều tiết trên đường phố, chật vật ứng phó với nạn kẹt xe… Nhiều lúc, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh và công an các phường, xã cũng phải tham gia điều tiết giao thông.

Cảnh sát lên bục điều khiển giao thông thay cho hệ thống đèn tín hiệu.

Các chuyên gia giao thông còn cho rằng, thời tiết Đà Lạt lạnh lẽo, mưa gió thường xuyên; địa hình đồi dốc, nếu để công an ra đường điều tiết giao thông bất kể ngày hay đêm, nắng mưa, sương gió thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe; đặc biệt khi xảy ra tai nạn xe cộ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người điều tiết giao thông.

Cảnh sát giao thông túc trực điều khiển giao thông tại các vòng xoay.

Trước đây, khi xây dựng phương án chống kẹt xe, ban ngành chức năng từng đề xuất lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông tại một số giao lộ. Tuy nhiên vì muốn giữ nét đặc trưng riêng có nên UBND tỉnh Lâm Đồng không chấp thuận, chỉ đồng ý mở rộng các vòng xoay tại các giao lộ và cải tổ việc phân luồng giao thông.

Kim Anh – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Các phương tiện giao thông ken dày tại vòng xoay Kim Cúc dịp lễ, Tết

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thanh-pho-khong-den-giao-thong-muon-lap-den-do-1779102.tpo