Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới đối mặt với những thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt như các đợt lũ lụt, cháy rừng… nghiêm trọng với tần suất nhiều hơn.
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu thường được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà hậu quả nhãn tiền của nó là hệ sinh thái bị phá hủy, mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng kinh tế, dịch bệnh, hạn hán hay bão lụt, núi băng và sông băng đang bị “teo nhỏ”, hiệu ứng nhà kính, mực nước biển dâng… và chiến tranh – xung đột. Biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên cũng như hoạt động của các hệ thống kinh tế – xã hội, sức khỏe và phúc lợi của con người.
Biến đổi khí hậu cũng đang khiến cho các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến ngày càng bất thường hơn.
Ông Matthias Petschke, Giám đốc phụ trách chương trình không gian của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2020 và dữ liệu từ Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (C3S) cho thấy con người cần gấp rút hành động nhằm ngăn chặn tình trạng Trái đất ấm lên.
Các nhà khoa học cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy biến đổi khí hậu sẽ khiến các cơn bão, lũ quét, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên khác có sức tàn phá khốc liệt hơn.
Tại Mỹ, chuyên gia khí tượng của Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) Adam Smith cho biết thiệt hại về người và vật chất đang tăng nhanh tại nước này do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo ông, các thảm họa gây thiệt hại tổng cộng 16 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2020 tại Mỹ, tương đương với các mức thiệt hại cao nhất được ghi nhận vào các năm 2011 và 2017. Một báo cáo sơ bộ cho thấy 13 thảm họa thiên nhiên xảy ra trong năm qua đã khiến ít nhất 188 người thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế lên tới 46,6 tỉ USD.
Ngoài ra, theo báo cáo của C3S, nếu như năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thì năm 2020 lại đi vào lịch sử là năm nóng kỷ lục mà không có tác động của hiện tượng El Nino và La Nina. Xu hướng nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên khi thế giới ghi nhận 6 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử. Riêng trong năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đề ra mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C và có thể đạt mức tăng 1,5 độ C nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh của C3S cũng cho thấy trong năm qua, một số khu vực đã trải qua nền nhiệt cao vượt qua các mức nhiệt trung bình toàn cầu.
Tháng 8/2020, mức nhiệt ghi nhận tại Thung lũng Chết ở sa mạc Mojave, bang California (Mỹ), đã có thời điểm lên đến 54,4 độ C. Sau khi trải qua một mùa Thu và Đông ấm bất thường, châu Âu đã xác nhận 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử khu vực với nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn 2,2 độ C so với mức tiền công nghiệp và hơn gần 0,5 độ C so với năm 2019 vốn từng được xem là năm nóng nhất tại “lục địa già”.
Bắc Cực và Bắc Siberia có mức tăng nhiệt cao nhất với nhiệt độ tại một số khu vực trung bình cao hơn 6 độ C so với nhiệt độ trung bình trong 30 năm qua. Khu vực này cũng trải qua một mùa cháy rừng bất thường, khi các vụ cháy rừng ở khu vực nằm ở Vòng Bắc cực trong năm 2020 đã giải phóng 244 triệu tấn CO2, tăng hơn 33% so với năm 2019. Biển băng tại Bắc Cực tiếp tục tan chảy, trong khi lượng băng hồi phục tại khu vực này liên tục ghi nhận mức thấp nhất trong tháng 7 và tháng 10/2020.
Giám đốc C3S Carlo Buontempo nhận định: “Năm 2020 nổi bật với sự nóng lên đặc biệt ở Bắc Cực và số lượng cơn bão nhiệt đới kỷ lục ở Bắc Đại Tây Dương… Đây cũng là lời nhắc nhở khác về sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải để ngăn chặn các tác động xấu đến khí hậu trong tương lai”.
Việt Nam cũng không ngoại lệ
Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng cao và đã gây thiệt hại không nhỏ tới phát triển kinh tế cũng như ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2020 đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỉ đồng.
Tại miền Trung, đợt mưa lũ từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020 đã cướp đi sinh mạng của 249 người, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái. Nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu bị hư hỏng; 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3,2 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính hơn 30.000 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: “Nguyên nhân chính gây ra mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua là biến đổi khí hậu khiến thiên tai diễn biến bất thường, khó lường và không theo quy luật. Bây giờ, diễn biến thiên tai chỉ tuân theo một quy luật, đó là không theo quy luật gì”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thì cho rằng: biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. biến đổi khí hậu cũng khiến nước biển dâng, nóng lên toàn cầu,… lượng mưa tăng kỷ lục. Thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát tính cực đoan của biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.
Những vấn đề cấp bách
Trước những con số biết nói về thiệt hại do thiên tai gây ra, các tổ chức quốc tế cảnh báo, nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2 độ C đến 3 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 yêu cầu các quốc gia sẽ cùng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức “thấp hơn” 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi thỏa thuận được ký kết, lượng khí phát thải tiếp tục tăng và nhiều phân tích đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu cần được cơ cấu lại với ưu tiên tăng trưởng xanh. Khi nhiệt độ Trái đất mới chỉ tăng thêm 1 độ C, hành tinh của chúng ta đã phải đối mặt những trận cháy rừng, hạn hán và siêu bão thường xuyên và dữ dội hơn.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) và tổng cộng 66 quốc gia đã lên kế hoạch đạt mục tiêu triệt tiêu carbon trước năm 2050. Các thành phố London và Paris cũng đã ban bố các cơ chế khẩn cấp khí hậu và sinh thái chính thức. Liên hợp quốc cũng đã lên kế hoạch cứu hệ sinh thái vào năm 2030, theo đó 30% diện tích đất liền và biển trên Trái đất sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030 nhằm bảo đảm khả năng sinh tồn của hệ sinh thái vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nhân loại. Đây sẽ là một tiến trình tương tự với tiến trình đàm phán để đạt được Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Kế hoạch trên của Liên hợp quốc đã nhận được sự hoan nghênh của giới chuyên gia và các nhà môi trường học trên thế giới.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không còn là chuyện riêng của bất cứ quốc gia nào nữa, mà là vấn đề cấp bách toàn cầu, là trách nhiệm của mỗi con người. Bảo vệ Trái đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng… cũng chính là con người đang tự bảo vệ mình khỏi những thảm họa trong tương lai.
Hoài Thu – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Hạn hán ngày càng trở nên khốc liệt.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-khien-thien-tai-ngay-cang-tro-nen-khoc-liet-52460.html