Sau khi tổ chức khánh thành và thông xe rầm rộ, với các kỳ vọng về phát triển kinh tế, giảm ùn tắc giao thông… nhưng nhà đầu tư hầm Hải Vân 2 chỉ mở cửa khai thác trong 20 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sau đó sẽ đóng cửa hầm. Theo nhà đầu tư, họ đã thực hiện đúng cam kết, nhưng nhà nước chưa thực hiện đủ nghĩa vụ về tài chính của mình, gây khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 11/1/2020, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 nối Huế và Đà Nẵng, dự án do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Hầm Hải Vân 2 đưa vào sử dụng được kỳ vọng sẽ giảm tải cho hầm Hải Vân 1 đã 15 năm hoạt động, đảm bảo lưu thông thông suốt trên tuyến Quốc lộ 1A, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng…
Tuy nhiên, phía nhà đầu tư cho biết, sau khánh thành, hầm Hải Vân 2 chỉ hoạt động 20 ngày từ ngày 1 – 21/2/2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý tới ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu). Sau đó, hầm Hải Vân 2 tạm dừng vận hành (hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động).
Lý giải cho vấn đề trên, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hầm Hải Vân 2 là một trong 4 dự án thành phần thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, hầm Cù Mông và Hải Vân 2 (gồm cả cải tạo nâng cấp hầm Hải Vân 1). Tổng vốn đầu tư dự án là 21.612 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5.048 tỷ đồng.
Theo nhà đầu tư, tới nay nhà đầu đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng là đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án, nhưng Nhà nước (cụ thể là Bộ GTVT) vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Cụ thể, tới nay nhà nước mới giải ngân 1 phần tiền hỗ trợ từ ngân sách cho dự án, vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa giải ngân cho nhà đầu tư theo cam kết.
Chưa kể, hiện Bộ GTVT cũng chưa phê duyệt phương án thu phí để nhà đầu tư thu hồi vốn cho dự án hầm Hải Vân 2, nên nếu khai thác hầm nhà đầu tư sẽ phải tự bỏ tiền để vận hành. Còn trạm thu phí Bắc Hải Vân hiện chỉ thu phí để thu hồi vốn và chi phí vận hành hầm Hải Vân 1.
Do đó, nhà đầu tư chưa có nguồn kinh phí để thực hiện vận hành hầm Hải Vân 2. Việc mở cửa hầm Hải Vân 2 để khai thác trong 20 ngày Tết Nguyên đán là tự nguyện từ phía nhà đầu tư, nhà đầu tư tự bỏ chi phí vận hành, còn khi nào các vấn đề được giải quyết mới mở cửa khai thác hầm Hải Vân 2.
Trước đó, cuối năm 2020, Bộ GTVT cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý dứt điểm vướng mắc theo cam kết thực hiện dự án trên, đặc biệt là khoản tiền 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho dự án và cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn – Túy Loan (trả bằng quyền thu phí, nhưng dự án này không được thu phí). Do đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước theo kế hoạch để hỗ trợ dự án theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký kết.
Điều đáng nói, đây không phải dự án đầu tiên nhà đầu tư Đèo Cả chỉ mở cửa khai thác vài ngày sau khi thông xe, khánh thành, sau đó lại đóng cửa để chờ cơ quan nhà nước giải quyết các vướng mắc với phía doanh nghiệp.
Trước đó, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng do Tập đoàn Đèo Cả đầu tư theo hình thức BOT, dù tổ chức thông xe kỹ thuật từ ngày 29/9/2019, nhưng sau đó đóng lại. Tới Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, nhà đầu tư mở cửa cho phương tiện lưu thông miễn phí trong 30 ngày, sau đó lại tiếp tục đóng. Tới tháng 2/2020, khi UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định cho thu phí, nhà đầu tư mới mở cửa khai thác trở lại dự án này.
Ngay với hầm Hải Vân 1 (phần nâng cấp) và hầm Đèo Cả, cũng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư theo hình thức BOT, cuối năm 2018, nhà đầu tư này cũng có văn bản đề nghị dừng vận hành hầm, trả dự án cho Bộ GTVT nếu không giải quyết được các vướng mắc liên quan tới phần tiền ngân sách hỗ trợ dự án và thu phí.
Ở một dự án khác, là tuyến BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, cũng vì Bộ GTVT chưa thực hiện đầy đủ cam kết về thu phí, nên nhà đầu tư của dự án này cũng có văn bản kêu cứu cả lên Quốc hội và đề nghị trả dự án.
Việc chưa thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng BOT không chỉ có ở các dự án trên, nhưng cách hành xử của các nhà đầu tư lại khác nhau. Điển hình là cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tới nay các khoản hỗ trợ vẫn chưa được thanh toán hết cho nhà đầu tư, toàn bộ chi phí nhà đầu tư vẫn phải gánh. Tuy nhiên, nhà đầu tư dự án là Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vẫn vận hành dự án, thay vì “dọa” trả nhà nước hay đóng đường.
Thậm chí dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), tới nay vẫn chưa được thu phí, nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục vận hành tuyến đường.
Theo các chuyên gia giao thông, không thể lấy dự án giao thông ra làm “con tin”, vì theo quy định hiện hành đây là tài sản quốc gia, còn các cam kết từ phía nhà nước theo hợp đồng nếu chưa thực hiện phải được xử lý theo các điều khoản về giải quyết tranh chấp của hợp đồng.
Theo Tiền Phong
Ảnh: Hầm Hải Vân 2 đã khánh thành từ ngày 11/1, nhưng nhà đầu tư chưa mở cửa khai thác do dự án chưa được thu phí, nhà nước chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng BOT.
Xem bài viết gốc tại đây: