Dự án nâng cấp hệ thống nước sạch xã Đỉnh Bàn: Thiết kế một đàng thi công một nẻo

Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thành An đã thay đổi hơn 10 km đường ống các loại của dự án nâng cấp hệ thống cấp nước sạch xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) khiến nhiều người bất an về chất lượng, hiệu quả sử dụng của công trình.

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thành An (gọi tắt là Công ty Thành An, trụ sở ở huyện Thạch Hà) – nhà thầu thi công dự án nâng cấp hệ thống cấp nước sạch xã Đỉnh Bàn tự ý thay đổi vật liệu đầu vào nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, phản ánh của bạn đọc là có cơ sở. Theo đó, Công ty Thành An trúng gói thầu số 1 của dự án nước sạch này với số tiền 4,42 tỷ đồng. Nhà thầu có trách nhiệm mua và lắp đặt 1.704m đường ống loại D160 (đường kính 160mm); 1.729m loại D63; 3.813m loại D50; 3.513m loại D40.

Theo hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng thì toàn bộ đường ống này sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất Bình Minh, không ghi sử dụng vật liệu tương đương.

Tất cả đường ống trong gói thầu do Công ty Thành An thi công đều không đúng chủng loại vật liệu đầu vào ban đầu

Thế nhưng, thực tế tại hiện trường chúng tôi thấy, tất cả hệ thống đường ống có đường kính từ 40-160 mm do Công ty Thành An thi công tại dự án này đều sử dụng loại ống nhựa Hoa Sen, loại HDPE, PE100, PN10 chứ không không phải ống nhựa Bình Minh loại HDPE, PE80, PN10 như thiết kế ban đầu.

Ông Nguyễn Viết Hải – Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn thừa nhận: “Việc Công ty Thành An thay đổi đường ống là có thật và xã cũng biết việc này vì họ có xin chủ đầu tư. Tuy nhiên, do công trình này trước đó chúng tôi đã ủy thác cho BQL Dự án huyện Thạch Hà nên việc quyết định đồng ý hay không, kiểm tra chất lượng 2 loại ống này như thế nào, chênh lệch giá ra sao… đều do BQL Dự án huyện quyết định”.

Để che giấu hành vi của mình, Công ty Thành An thường để mặt ống in chữ thương hiệu sản phẩm ở nơi kín, quay xuống mặt đất, làm mờ bẩn, hoặc lấp đất ngay sau khi lắp xong…

Về vấn đề này, ông Hồ Văn Nam – cán bộ phụ trách công trình của BQL Dự án huyện Thạch Hà cho hay: “Việc thay đổi vật liệu đầu vào chúng tôi có biết và cho phép sau khi nhờ đơn vị tư vấn. Riêng về giá cả, sự chênh lệch giữa 2 loại vật liệu thì chúng tôi không kiểm tra và cũng không nắm rõ trên thị trường như thế nào bởi đây là hợp đồng trọn gói, thời gian thi công ngắn nên không điều chỉnh giá trong quá trình thi công”.

Về việc này, ông Nguyễn Hữu Thái (đại diện Công ty Thành An) đã đưa ra rất nhiều lý do để biện bạch cho việc làm của mình: Chất lượng các loại ống tương đương nhau, đã xin phép chủ đầu tư, việc này phát sinh là do cạnh tranh không lành mạnh… Tuy nhiên, sau một hồi vòng vo, bao biện, rút cuộc ông Thái vẫn phải thừa nhận: “thay đổi vật liệu có giúp giảm một ít giá cho nhà thầu”.

Khi đối chiếu báo giá của các nhà sản xuất thì sự chênh lệch giá của 2 chủng loại sản phẩm này là khá lớn. Theo đó, đối với loại D160 của Hoa Sen 276.430 đồng/m (Bình Minh là 344.201 đồng/m); loại D63 của Hoa Sen 43.340 đồng/m (Bình Minh 54.197 đồng/m); loại D50 của Hoa Sen 27.610 đồng/m (Bình Minh 33.902 đồng/m); D40 của Hoa Sen 18.150 đồng/m (Bình Minh 22.099 đồng/m).

Nếu theo mức giá này thì 10.759m đường ống trong gói thầu này có mức chênh lệch khoảng 190 triệu đồng.

Đường ống tuyến nhánh vào thôn Bình Sơn đã cơ bản được lấp đất…

Sự chênh lệch đã rõ, điều đáng nói là chỉ đến khi sự việc có nguy cơ vỡ lở thì các bên liên quan mới “chạy đôn chạy đáo” ra các loại văn bản để hợp thức hóa. Điều này được thể hiện qua việc công trình đã khởi công từ giữa tháng 9/2020, nhưng sau 2 tháng (ngày 24/11) nhà thầu mới có văn bản xin thay đổi vật liệu đầu vào.

Cụ thể, chỉ trong 3 ngày (từ 24-27/11/2020) đã có rất nhiều loại văn bản từ nhà thầu đến xã, từ xã lên huyện, từ Hà Tĩnh ra Hà Nội… được ban hành một cách chóng vánh như: văn bản xin thay đổi vật liệu đầu vào của Công ty Thành An gửi chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan; văn bản của UBND xã Đỉnh Bàn đề nghị BQL Dự án huyện Thạch Hà xem xét việc thay đổi vật liệu; văn bản của chủ đầu tư và đơn vị ủy thác gửi đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn xây dựng hạ tầng SHD (Hà Nội); văn bản trả lời của đơn vị tư vấn, văn bản chấp thuận của UBND xã Đỉnh Bàn…

Điều đáng nói, trong số các loại văn bản này có những loại không thấy số và chưa kịp đóng dấu.

Chỉ trong vòng 3 ngày đã có rất nhiều văn bản được ban hành, trong đó có những văn bản chưa kịp vào số, ký tên, đóng dấu.

Từ sự việc trên cho thấy, việc nhà thầu thay đổi vật liệu đầu vào để trục lợi từ dự án nâng cấp hệ thống nước sạch xã Đỉnh Bàn là có thật. Sự việc này đang khiến Nhân dân bất bình. Vì vậy, các cấp, các ngành liên quan cần vào cuộc kiểm tra để sớm có hướng xử lý trước khi sự đã rồi.

Công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sạch xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt theo Quyết định số 2229/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 với tổng mức đầu tư 12,576 tỷ đồng. Dự án do UBND xã Đỉnh Bàn làm chủ đầu tư, sau đó được ủy thác cho BQL Dự án huyện Thạch Hà quản lý.

Dự án được chia thành 2 gói thầu xây lắp do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thái Hòa và Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thành An thực hiện. Được khởi công từ giữa tháng 9/2020, thời gian thực hiện theo hợp đồng là 180 ngày, đến thời điểm này đã hoàn thành được 65-70% khối lượng.

Tiến Dũng – Báo Hà Tĩnh

Theo Hà Tĩnh

Ảnh: Hệ thống đường ống chính D160 được nối từ nhà máy về thôn Vĩnh Sơn (đoạn qua trụ sở xã Thạch Bàn cũ) đang được Công ty Thành An thi công dang dở

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baohatinh.vn/dieu-tra-don-thu/du-an-nang-cap-he-thong-nuoc-sach-xa-dinh-ban-thiet-ke-mot-dang-thi-cong-mot-neo/204966.htm