Lâm Đồng mất hàng ngàn héc ta rừng

Khi phát hiện nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư và nhân lực bảo vệ rừng hoặc ‘cù nhây’ để tìm cơ hội sang nhượng…, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thu hồi loạt dự án từng giao cho họ. Tuy nhiên vào thời điểm thu hồi đã có 1900ha rừng bị bốc hơi.

116 dự án để mất rừng

Thời gian qua, Lâm Đồng “rộng cửa” thu hút 489 dự án đầu tư liên quan đến rừng với tổng diện tích lên đến hơn 58 ngàn ha, bao gồm các lĩnh vực du lịch sinh thái, trồng cao su, sản xuất nông lâm kết hợp, nuôi cá nước lạnh… Đến nay, cả trăm dự án bị trễ hạn, triển khai không đúng mục tiêu ban đầu, chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, trong số các dự án được cấp phép đầu tư, có 116 dự án để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích thiệt hại tài nguyên lên đến 1900ha.

Tiêu biểu, dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (huyện Đức Trọng) đã để 258 ha rừng bị tàn phá và trên 118 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Theo Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra rất phổ biến nhưng hầu hết các vụ vi phạm đều không được chủ đầu tư kiểm tra, ngăn chặn…

Việc lập kế hoạch kiểm tra truy quét của công ty này chỉ mang tính chất đối phó chứ không có lực lượng để chủ động thực hiện; thậm chí có dấu hiệu làm ngơ cho các đối tượng vi phạm. Ngay cả đối với các vụ phá rừng quy mô lớn, công ty cũng không phát hiện, xử lý kịp thời như vụ ken cây đổ hóa chất đầu độc 86 cây thông 3 lá tại tiểu khu (TK) 364; nhiều vụ các đối tượng đưa xe cơ giới vào đào xới đất, múc hố để trồng cây nông nghiệp tại TK 350; vụ khai thác mủ ngo ở 82 cây thông tại TK 363B… Trước tình hình đó, năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất thu hồi dự án này.

Cũng gây nhiều hệ lụy đối với rừng là dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông – lâm kết hợp tại TK 443 (huyện Bảo Lâm) của Công ty TNHH An Phú Nông. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra xác định có 159 lóng gỗ thông với khối lượng 15,4 m3 được chôn lấp trong 3 hố lớn nằm trong diện tích rừng và đất rừng mà chính quyền đã giao cho công ty triển khai dự án. Công an huyện Bảo Lâm đã vào cuộc điều tra làm rõ đối tượng phá rừng, còn UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 251 triệu đồng đối với công ty này về hành vi tùy tiện xây dựng 14 ngôi nhà trên đất rừng, chuyển đất rừng sang mục đích khác với diện tích lên đến hơn 28 ha.

Thu hồi hàng trăm dự án

UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 160 dự án đầu tư và thu hồi một phần diện tích của 35 dự án khác vì để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng yêu cầu các chủ đầu tư bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với số tiền lên đến 311 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay lực lượng chức năng mới thu được gần 40 tỷ đồng.

Theo ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, từ tháng 8/2020, UBND tỉnh chính thức giao cho Sở NN&PTNT chủ trì thu tiền bồi thường của các doanh nghiệp. Sở thành lập “Tổ thu tiền bồi thường lâm sản thiệt hại” với thành viên là các đơn vị có liên quan, đặc biệt là 12 Hạt trưởng Hạt kiểm lâm của các huyện, thành phố. “Tổ đã tống đạt quyết định và làm việc với các doanh nghiệp để thống nhất, thỏa thuận thời điểm nộp khoản tiền này. Nếu chủ đầu tư dự án chây ỳ không trả, sẽ đề nghị thu hồi dự án hoặc chuyển cơ quan cảnh sát điều tra”, lãnh đạo Sở NN&PTNT nói.

Theo các thành viên trong Tổ, nhiều chủ đầu tư đã bị thu hồi toàn bộ hay một phần dự án nên việc đôn đốc các doanh nghiệp này nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng là khó khả thi. Một số doanh nghiệp khác gặp khó khăn về tài chính hoặc trục trặc khi triển khai dự án nên chây ỳ không chấp hành việc nộp tiền bồi thường mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần đôn đốc. Đó là chưa kể, quy định về thu tiền bồi thường còn nhiều bất cập; không có chế tài cưỡng chế, xử lý đối với doanh nghiệp không nộp tiền. Một chuyên gia tư pháp cho rằng, nếu các doanh nghiệp không nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng thì cơ quan chức năng nên căn cứ vào hợp đồng cho thuê rừng đã ký (giữa bên cho thuê rừng với các doanh nghiệp) để khởi kiện.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, trong số các dự án được cấp phép đầu tư, có 116 dự án để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích thiệt hại tài nguyên lên đến 1.900ha.

Kim Anh – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Thông bị cưa hạ, chôn lấp dưới hố sâu để phi tang ở Kon Tum

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/phap-luat/lam-dong-mat-hang-ngan-hec-ta-rung-1776753.tpo