Cho rằng bãi rác gây ô nhiễm, nhiều ngày qua người dân huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã dựng lán, lập chốt chặn không cho xe chở rác vào bãi tập kết.
Chặn xe rác vì ô nhiễm
Ngày 7.1, có mặt tại khu Tây Bắc, thị trấn Hàng Trạm (trước kia là xóm Dom, xã Yên Lạc), huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, theo quan sát của PV Báo Lao Động, bãi rác bị phản đối nằm trên một con đường nhỏ cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 300 mét.
Tại đây người dân đã dựng lán, kéo điện để lập chốt chặn không cho xe chở rác vào khu vực tập kết. Để thuận tiện cho việc chốt chặn, người dân mang theo bàn, ghế, tủ lạnh, chăn màn cùng các nhu yếu phẩm như mì tôm, gạo, rau xanh… cùng nấu ăn tại lán.
Nằm cách đó chừng 100 mét là khu vực tập kết rác thải có diện tích khoảng 4.000 m2, bao quanh là diện tích trồng các loại cây ngắn ngày của người dân. Tại đây có 1 chiếc máy xúc đang hoạt động, 2 xe cứu hỏa luân phiên phun nước để dập lửa tại bãi rác.
Nhiều công nhân đang tiến hành rắc vôi bột và phun thuốc để xử lý rác. Phía bên trong nhiều vị trí lửa vẫn đang còn cháy âm ỉ, bốc khói nghi ngút và tỏa mùi hôi thối rất khó chịu.
Trao đổi với PV, ông Bùi Mạnh Điển (59 tuổi, khu Tây Bắc, thị trấn Hàng Trạm) trần tình: “Do việc xử lý rác thải không triệt để mà chỉ đốt dẫn đến việc ô nhiễm về khói và mùi hôi thối từ bãi rác nên người dân đã dựng lán để không cho xe chở rác vào đây nữa.
Bãi rác đã có khoảng mười mấy năm nay, không biết có phải tại bãi rác không nhưng hiện nay ở khu Tây Bắc cũng như các khu, xã lân cận rất nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo”.
Còn anh Quách Văn Bảo, người dân xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, cho biết: “Rác thải được tập kết tại đây nhưng không được xử lý mà chỉ đốt gây khói, mùi hôi rất khó chịu cho người dân đi làm cũng như người ở nhà, ở nhà mặc dù ở trong phòng nhưng vẫn có cảm giác tức ngực, khó thở”.
“Nhiều năm nay, ngày bình thường vào buổi trưa ăn cơm thì không ăn được ở ngoài phải mắc màn thì mới ăn được. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không được xử lý. Nguyện vọng của người dân mong các cấp chính quyền có phương án chuyển bãi rác đi chỗ khác để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống” – Anh Bảo chia sẻ.
Giải pháp tạm thời
Liên quan đến vấn đề này ông Lã Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm cho biết: “Người dân tiến hành dựng lán từ chủ nhật tuần trước (ngày 2.1). Ngay sau khi nhận được phản ánh, tôi đã báo cáo trực tiếp lên UBND huyện”.
“Về vấn đề đảm bảo trật tự an ninh trật tự chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng đã trực tiếp đến gặp người dân vận động, tuyên truyền cho bà con, tạo điều kiện cho đơn vị thu gom rác thải tiếp tục được tập kết rác tại đây trong thời gian chờ xây dựng nhà máy xử lý rác.
Trong các cuộc họp ở huyện, HĐND thì tôi cũng đã có kiến nghị về ý kiến của cử tri và đề nghị UBND huyện đẩy nhanh việc xử lý tình trạng trên. Huyện cũng có đề án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tuy nhiên do khó khăn về nguồn ngân sách nên chưa xây dựng được.” – ông Trường cho biết.
Còn ông Vũ Minh Toàn, Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Thủy cho biết: “Ngay sau khi có phản ánh, UBND huyện đã tiến hành họp bàn đưa ra giải pháp, do xử lý rác theo hình thức đốt nên gió thổi vào khu dân cư gây mùi. Trong ngày thứ 2 (3.1) đã cho máy xúc và 3 xe cứu hỏa vào để dập lửa, cho đến chiều hôm qua (6.1) đã xử lý xong.
Theo ông Toàn, hôm nay UBND huyện phối hợp cùng UBND thị trấn Hàng Trạm tổ chức đối thoại với người dân về các nội dung khách quan, chủ quan liên quan đến việc xử lý rác thải tạm thời. Tuyên truyền vận động người dân tạo điều kiện cho Công ty Bình Minh Xanh được chở, tập kết rác tại đây. Huyện đã có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác, cách thị trấn khoảng 10 km với diện tích khoảng 10 ha, giá trị đầu tư vào khoảng 35 tỉ đồng.
“Bãi tập kết rác này có diện tích khoảng 4.000m2, có từ năm 2005 là nơi tập kết của thị trấn Hàng Trạm và xã Yên Lạc. Hình thức xử lý rác là chôn lấp, phun thuốc khử trùng rắc vôi. Năm 2018, HTX Bình Minh Xanh tiếp nhận việc thu gom rác trên toàn địa bàn huyện rồi tập kết tại đây”, ông Toàn cho biết.