Kiên Giang: Đẩy mạnh phát triển thủy lợi nội đồng

(Phapluatmoitruong.vn) – Phát triển thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa xây dựng kế hoạch số 191 về việc thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, tỉnh chú trọng phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên cơ sở kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi và tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, phát huy nội lực, nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Huy động các nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm bảo đảm tưới tiêu chủ động và bảo đảm số lượng, chất lượng nước cho vùng chuyên canh lúa tập trung, vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng cạn, đáp ứng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm, hiệu quả.

Thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định của Luật Thủy lợi. Nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ phương thức canh tác tiên tiến cho cây lúa nhằm giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nước, giảm thải khí nhà kính. Xây mới, sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm tiêu, cống tiêu, nạo vét kênh mương đảm bảo tưới, tiêu, thoát nước chủ động. Tập trung sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa bão, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, chuyển giao quản lý tưới cho các tổ chức thủy lợi cơ sở. Tăng cường sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp trong việc tổ chức và hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của người dân trong quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và của tổ chức thủy lợi cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch cấp, tưới, tiêu, thoát nước… Từ đó, cấp nước chủ động cho diện tích đất trồng lúa 02 vụ với mức đảm bảo tưới 85%, đến năm 2025 có trên 20% diện tích gieo trồng lúa áp dụng phương thức canh tác tiên tiến; diện tích cây trồng cạn cần tưới theo quy hoạch đạt 45%, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 35%.

Năm 2022, toàn bộ các địa phương trên địa bàn tỉnh phải thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở. Đến năm 2025, có 70% tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các cấp, các ngành của tỉnh cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước, sử dụng nước tiết kiệm, qua đó nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trương Anh Sáng

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Nạo vét kênh mương nội đồng đảm bảo tưới tiêu, thoát nước chủ động.