Phân làn đường, bảo vệ xe máy: Dễ tắc đường cục bộ

Quỹ đất dành cho giao thông ở các thành phố lớn của Việt Nam chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn nên việc phân làn dẫn đến nguy cơ tắc cục bộ.

Trong buổi họp báo cuối kỳ dự án xây dựng chiến lược ATGT đối với xe máy và kế hoạch hành động: một khởi đầu Việt Nam diễn ra vào chiều ngày 11/4/2019, nhiều chuyên gia cho rằng cần tách riêng làn đường giữa xe máy và ô tô.

TS. Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc dự án cho biết, nghiên cứu trên hơn 61.000 vụ TNGT liên quan đến xe máy, các nguyên nhân đứng đầu gây tai nạn là: đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chuyển hướng không đúng quy định, không chấp hành quy định về tốc độ,… Chính vì thế, ông Đức cho rằng việc tách riêng làn đường cho xe máy và ô tô là điều cần thiết, để bảo vệ những người tham gia giao thông bằng xe máy trước những mối nguy hại.

Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, TS Phùng Hữu Khánh – Đại học GTVT TP. HCM cũng bày tỏ sự ủng hộ việc cần có làn đường riêng cho xe ô tô và xe máy. Đây là điều đã được các nước phát triển trên thế giới làm từ hàng chục năm về trước.

Tuy nhiên, nếu dự án này áp dụng tại các thành phố lớn ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại sẽ khó khả thi, không những thế còn mang đến hậu quả về việc tắc đường cục bộ.

“Hiện nay tại TP. Hà Nội và TP. HCM diện tích đường giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được mức tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, lượng dân số tại 2 thành phố này cũng đang gia tăng chóng mặt khiến áp lực giao thông càng đè nặng, nhất là những giờ cao điểm” – ông Khánh cho hay.

Ông Khánh cho biết thêm: “Nếu phân làn mềm là tốt nhất bởi vừa tiết kiệm diện tích hạ tầng giao thông và không xuất hiện các chướng ngại vật cho người tham gia giao thông. Nhưng hiện nay, đa số các tuyến đường đều có thể hiện phân làn mềm nhưng người tham gia giao thông vẫn đi lẫn lộn, bất chấp đường có tắc hay không. Vì thế, có thể thấy việc phân làn mềm sẽ không khả thi. Còn nếu phân làn cứng thì diện tích dành cho giao thông đã ít thì sẽ lại càng bị ít đi”.

Vị chuyên gia này cũng trăn trở, việc phân làn diễn ra ở các đảo giao thông sẽ thế nào? Khi cả quãng đường được phân làn mà đến đảo giao thông không được thực hiện thì các sẽ di chuyển sẽ tạo lên sự hỗn độn, ùn ức dẫn tới nguy cơ tắc cục bộ.

TS Phùng Hữu Khánh phân tích, ở nước ngoài, các đảo giao thông ở nước ngoài được phân làn mềm. Nhưng nếu ở Việt Nam phân làn mềm thì nguy cơ “vỡ trận” là rất cao bởi ý thức người tham gia giao thông chưa đầy đủ, người dân sẵn sàng lấn làn để vượt lên trước hoặc tìm chỗ đi thuận lợi nhất cho mình. Điều này kết hợp với thực tế các xe di chuyển tốc độ khác nhau (xe nhanh hơn, xe chậm hơn) tạo lên dòng chảy giao thông ngắt quãng thì sẽ tắc đường.

Mặc dù, hiện tại lượng xe máy ở Việt Nam cao hơn lượng ô tô nhưng theo số liệu thống kế, kết thúc quý i/2019, lượng ô tô bán ra ở Việt Nam tăng 31% so với cùng kỳ, trong khi con số ở mảng xe máy lại giảm 6,13%. Điều này cho thấy, ô tô sẽ là xu thế sử dụng trong tương lai.

Những vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người thiệt mạng trong thời gian gần đây cũng đo tài xế xe ô tô vượt đèn đỏ, sử dụng chất kích thích hay không có làn riêng dành cho người đi bộ…

“Nói thế để thấy rằng tai nạn giao thông đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cái chính vẫn là ý thức của người tham gia. Nếu không sửa được ý thức thì việc phân làn đường còn giống như tạo thêm cái bẫy cho người tham gia giao thông” – TS Khánh cảnh báo.

Từ đó, ông Khánh cho rằng, điều quan trọng nhất là phải cải thiện, mở rộng hạ tầng giao thông và thay đổi ý thức người dân trước khi nghĩ đến việc phân làn đường riêng cho ô tô, xe máy.

Vân Phong – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Hầu như tuyến đường nào trong nội đô cũng được phân làn mềm nhưng tai nạn, tắc đường vẫn xảy ra.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phan-lan-duong-bao-ve-xe-may-de-tac-duong-cuc-bo-3378153/