(Phapluatmoitruong.vn) – Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.
Thực trạng báo động
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần như toàn bộ dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm. Các hạt bụi mịn, khí thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy công nghiệp, hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch… là những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Ở các nước đang phát triển, tại các khu vực đô thị lớn là tâm điểm của ô nhiễm không khí do tập trung đông dân cư với tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu năng lượng tăng cao, tình hình ô nhiễm không khí ở các nước này càng trở nên nghiêm trọng.
Nghiên cứu của WHO chỉ ra rằng, hầu như toàn bộ dân số toàn cầu (99%) hít thở không khí vượt quá giới hạn chất lượng không khí của WHO khuyến cáo và đe dọa sức khỏe của họ. Một con số kỷ lục với hơn 6000 thành phố ở 117 quốc gia hiện đang theo dõi chất lượng không khí, nhưng người dân sống tại đó vẫn đang hít phải mức độ không lành mạnh của các hạt mịn và nitơ dioxide, trong đó những người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.
Tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra nhiều hậu quả sức khỏe khác nhau. Tác động của bụi mịn, các hạt vật chất, đặc biệt là PM 2.5, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu, gây ra các tác động về tim mạch, mạch máu não và hô hấp. Các nguy cơ sức khỏe gia tăng, chẳng hạn như nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người đã mắc bệnh. Hơn nữa, chất lượng không khí kém làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sảy thai và các tình trạng thần kinh như suy giảm nhận thức, chứng mất trí và giảm tuổi thọ.
Theo số liệu thống kê, vào năm 2019 ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 6,7 triệu ca tử vong trên thế giới do tác động tổng hợp của ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà.
Bản đồ trực quan chỉ số chất lượng không khí trên thế giới ngày 17/9/2024. Nguồn: aqicn.org (https://aqicn.org/map/world/vn/)
Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu cũng là tác nhân quan trọng trong việc ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm không khí. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm thay đổi các kiểu thời tiết, dẫn đến những thay đổi về gió và lượng mưa, ảnh hưởng đến sự phát tán các chất ô nhiễm và sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tình trạng nắng nóng cực độ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn.
Ví dụ thực tế như tại khu vực Bắc Mỹ, từ tháng 5 đến tháng 10/2023, Canada là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cháy rừng hoành hành. Do đó dẫn đến mức ô nhiễm không khí trung bình hàng tháng ở Alberta (một tỉnh bang thuộc Canada) trong tháng 5/2023 cao gấp 9 lần so với cùng tháng năm 2022. Đây là thời điểm đánh dấu lần đầu tiên Canada vượt qua Mỹ trong bảng xếp hạng ô nhiễm khu vực. Các vụ cháy rừng cũng ảnh hưởng đến các thành phố của Mỹ như Minneapolis và Detroit, nơi mức độ ô nhiễm trung bình hàng năm tăng từ 30% – 50% so với năm trước.
Liên Hợp Quốc kêu gọi đầu tư vào không khí sạch
Trong thông điệp nhân “Ngày Quốc tế không khí sạch vì bầu trời xanh” được tổ chức vào ngày 7/9 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc – ông Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư vào không khí sạch để cứu sống được nhiều người và chống biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng tình trạng ô nhiễm cũng đang bóp nghẹt các nền kinh tế và làm trái đất nóng lên, “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời cho rằng tình trạng ô nhiễm đang làm ảnh hưởng đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người già.
Việc đầu tư vào không khí sạch sẽ cần sự hành động của các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phát triển và nhiều bên khác ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Cụ thể, Ông Guterres lưu ý những hành động mà cả chính phủ và doanh nghiệp nên thực hiện là loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, tăng cường giám sát chất lượng không khí, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng không khí, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi sang nấu ăn sạch, xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững và phát triển giao thông bền vững, làm sạch chuỗi cung ứng và giảm lượng khí thải độc hại.
“Đầu tư vào không khí sạch sẽ cứu sống con người, chống lại biến đổi khí hậu, củng cố nền kinh tế, xây dựng xã hội công bằng hơn và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững. Hãy đầu tư ngay bây giờ để chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng chúng ta đang đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người”, ông Guterres chia sẻ.
Chương Hoàng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ô nhiễm không khí ở Kathmandu, Nepal. (Ảnh: AP)