Tuy nằm cách trung tâm không xa nhưng nhiều khu dân cư ở TP Hồ Chí Minh giống như ở vùng quê với những cánh đồng hoang hóa, ao đầm, đường xá nắng bụi mưa lầy, đầy rác rưởi. Đó là hậu quả của quy hoạch treo và sự tắc trách của các đơn vị đầu tư khi thực hiện dự án…
Hai thập kỷ vẫn cảnh “nắng bụi mưa lầy”
Năm 2003, dự án khu dân cư Bến Lức được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt và thực hiện nhằm phục vụ tái định cư tại chỗ và các trường hợp có đất bị thu hồi trong dự án xây dựng Trung tâm thương mại Bình Điền. Quy mô dự án rộng 24,5 ha nằm trên địa bàn phường 7 (quận 8) và một phần xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Từ đó đến nay đã 20 năm, khu dân cư mọc lên những dãy nhà khang trang, thế nhưng hạ tầng đường sá vẫn rất nhôm nhoam.
Anh Hồ Minh Hải cho biết, đã hơn 20 năm, đường sá vẫn là đường đất đỏ. Nắng thì bụi bay mù mịt mỗi khi xe chạy ngang, còn mưa thì đọng vũng do có quá nhiều ổ voi, ổ gà. Nhiều hộ dân không thể chịu đựng được phải tự đổ đá, tráng xi măng trước nhà mình cho sạch sẽ, chứ chờ mãi chẳng thấy chủ đầu tư nào làm.
Còn theo ông Bùi Văn Long, nỗi lo ngại lớn nhất là vấn đề rác thải. Mọi người tha hồ vứt rác khắp nơi. Vào mùa mưa, cống rãnh bị rác bít lại, không thoát đi đâu được. Chỉ cách nhau một con đường, có 2 khu dân cư khác đường sá khang trang sạch đẹp, còn ở khu dân cư Bến Lức đường sá như ở đồng quê, càng ngày càng xuống cấp. “Nguyện vọng của người dân tại khu dân cư Bến Lức là chính quyền cùng chủ đầu tư dự án sớm tháo gỡ vướng mắc, xúc tiến thực hiện phần hạ tầng còn lại cũng như các công trình công cộng để người dân yên tâm ổn định đời sống”, ông Long cho biết.
Theo UBND quận 8, dự án này có 4 doanh nghiệp làm chủ đầu tư gồm: Công ty CP Sản xuất kinh doanh dịch vụ và xuất nhập khẩu quận 1 (Fimexco), Công ty TNHH Sản xuất xây dựng thương mại Ứng Thành, Công ty TNHH Sản xuất thương mại giấy Bảo Hưng và Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Minh. Hiện các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật của dự án, bao gồm: hạng mục chung là trạm xử lý nước thải 750m³/ngày đêm và cống hộp rạch Lồng Đèn (đường A và đường A1); hạng mục riêng của từng chủ đầu tư và thực hiện bàn giao về cho cơ quan có chức năng quản lý; hệ thống điện chiếu sáng công cộng trong dự án chưa thực hiện hoàn chỉnh. Các công ty đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông, phần nền hạ các tuyến đường đã hoàn thành, tuy nhiên chưa hoàn thiện phần mặt đường nhựa.
Trở thành cánh đồng hoang sau 3 thập kỷ quy hoạch “treo”
Bán đảo Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 5km nhưng do quy hoạch “treo” hơn 3 thập kỷ đã khiến nơi đây không thể phát triển. Các con đường mòn nằm sâu trong bán đảo, hai bên là lau sậy, ao đầm, nhà cửa tạm bợ.
Bà Nguyễn Thị Chạm (65 tuổi) cho biết, ông để lại cho bà hơn 700m2 đất cất nhà để gia đình, con cái sinh sống. Khi nghe quy hoạch nơi đây thành khu đô thị hiện đại, bà Chạm mừng lắm. Thế nhưng đằng đẵng mấy chục năm từ khi con bà còn nhỏ xíu, đến nay chúng đã dựng vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái vẫn chưa thấy khu đô thị ấy đâu. Duy chỉ có thay đổi là người dân không còn trồng lúa mà đã chuyển sang trồng rau, cây cảnh, nuôi cá,… để kiếm sống.
Ông Nguyễn Văn Phước, một cư dân ở đây cũng chỉ biết lắc đầu vì hạ tầng ở đây còn thua ở thôn quê. Con đường trước nhà ông Phước chỉ rộng khoảng 1m trải xi măng đã bong tróc, đá lởm chởm, còn hai bên đường là lau sậy mọc cao hơn đầu. “Cách đây không lâu con gái tôi bị đột quỵ, gọi xe cấp cứu nhưng đường nhỏ xe cấp cứu không vào được. Cả nhà phải thay phiên khiêng cháu đi một đoạn đường dài mới có thể tiếp cận được với xe cứu thương. May còn biết cách sơ cứu nên con tôi mới tai qua nạn khỏi…” – ông Phước nhớ lại.
Tệ hại hơn, ông Phước có mảnh đất do ông bà để lại nhưng không thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ vì vướng quy hoạch. Muốn chia cho con để ra ở riêng cũng không cách nào chia tách. Giờ cả nhà mấy thế hệ phải sống chen chúc trong căn nhà chật hẹp.
Năm 1992, UBND TP Hồ Chí Minh quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa trở thành một siêu đô thị hiện đại với nhiều khu phức hợp, kết hợp giữa thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch với diện tích khoảng 427 ha. Đến năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000. Sau đó, tiến hành thu hồi đất và giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để triển khai dự án, song vì một số lý do dự án không thể triển khai.
Năm 2015, UBND thành phố chỉ định Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) làm nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự kiến, dự án Bình Quới – Thanh Đa sẽ có thời gian triển khai thực 50 năm. Trong đó, nhà đầu tư có trách nhiệm phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật trong vòng 5 năm kể từ ngày được ký hợp đồng. Tuy nhiên, 2 năm sau, Công ty Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án vì việc giải phóng mặt bằng kéo dài.
Để tái khởi động lại dự án, cuối năm 2023, TP Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch – kiến trúc bán đảo Bình Quới – Thanh Đa theo yêu cầu chung là sẽ trở thành khu đô thị sinh thái bền vững, hiện đại, quy hoạch có hệ thống công viên, mảng xanh gắn kết với khu vực sông Sài Gòn phục vụ các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí của người dân, quy hoạch có cả quảng trường, không gian công cộng, công trình biểu tượng, bảo tàng lịch sử, văn hóa… mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.
Sau khi có kết quả, Sở Quy hoạch – Kiến trúc sẽ tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo lựa chọn các nội dung quan trọng để đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh. Và cho đến thời điểm này, siêu đô thị bán đảo Thanh Đa vẫn còn nằm trên giấy!
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Hình ảnh tương phản giữa bán đảo Bình Quới – Thanh Đa và trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://cand.com.vn/dia-oc/nhung-khu-dan-cu-nhu-o-vung-que-giua-long-thanh-pho-i741388/