(Phapluatmoitruong.vn) – Hàng chục mét khối gỗ các chủng loại được trục vớt tại lòng hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu đã bị cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng kết hợp với các đầu nậu bên ngoài giao dịch, mua bán trái phép, gây thất thoát tài nguyên và ngân sách nhà nước.
Công khai giới thiệu DN “sân sau”
Thời gian qua, Môi trường và Đô thị điện tử nhận được nhiều phản ánh về việc ông Trần Quang Dũng – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và ông Nguyễn Xuân Đô, cán bộ Hạt Kiểm lâm đã có dấu hiệu “liên kết” với Công ty TNHH MTV VLXD Đại Phát Đạt (Công ty Đại Phát Đạt; trụ sở tại xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) nhằm bán gỗ được trục vớt tại lòng hồ thủy lợi Dầu Tiếng trái phép cho các đơn vị bên ngoài mà không thông qua quá trình đấu giá theo quy định.
Tháng 4/2024, trong vai thương lái có nhu cầu mua gỗ, PV đã đến liên hệ với ông Trần Quang Dũng – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Dầu Tiếng. Sau khi đặt vấn đề về việc mua gỗ, ông Trần Quang Dũng cho biết: “Nếu các anh muốn mua gỗ trục vớt tại lòng hồ Dầu Tiếng thì tôi sẽ giới thiệu ông Toàn – Giám đốc Công ty Đại Phát Đạt”.
Ngay sau đó, ông Dũng gọi điện thoại cho người đàn ông tên Toàn này nói về việc mua bán gỗ, đồng thời, ông Dũng cung cấp cho chúng tôi số điện thoại của ông Toàn để tiện liên lạc.
Tiếp đó, ông Dũng cử ông Nguyễn Xuân Đô (nhân viên của trạm – PV) trực tiếp dẫn chúng tôi tới khu vực đang tập kết gỗ (nằm trong phạm vi bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty Đại Phát Đạt) để xem “hàng”. Tuy nhiên, trên đường đi thì ông Đô nghe điện thoại của ông Toàn gọi và cho biết đang có “sếp công an” ở đó nên không đi tiếp được, ông Đô xuống xe quay về rồi hẹn ngày hôm sau.
Ông Trần Quang Dũng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Dầu Tiếng, ngồi tại trụ sở, gọi điện cho người đàn ông tên Toàn để giới thiệu về việc mua bán gỗ.
Qua điện thoại, ông Đô cũng đã gửi cho chúng tôi một số hình ảnh của những cây gỗ, số khối gỗ và trị giá của từng loại gỗ… Ngay sau đó, theo chỉ dẫn của ông Đô, PV tự đi đến bãi tập kết, được ông Toàn cùng một số nhân viên đón tiếp, dẫn đi xem gỗ.
Theo tìm hiểu, bãi tập kết gỗ và vật liệu xây dựng của Công ty Đại Phát Đạt thuộc thửa 286 và 287, tờ bản đồ số 42 được quy hoạch đất trồng cây lâu năm, đất thương mại dịch vụ và đất ở nông thôn, thuộc địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Qua quan sát thực tế, chúng tôi bất ngờ khi có hàng chục mét khối gỗ đủ kích cỡ, đủ chủng loại đang được tập kết tại đây. Trong đó có nhiều cây gỗ có đường kính lên đến gần một mét và dài hàng chục mét được chất ngổn ngang tại khu vực tập kết cát của Công ty Đại Phát Đạt.
Gỗ được tập kết tại bãi của công ty Đại Phát Đạt
Các cây gỗ tại bãi tập kết này đa phần còn rất mới, trong đó có nhiều cây gỗ đang còn nguyên cả vỏ tươi và những vết cưa đang còn mới như vừa được khai thác. Qua trao đổi, ông Toàn và nhân viên tại đây còn giới thiệu cho chúng tôi các chủng loại gỗ cần bán và danh mục giá cả của từng loại để chúng tôi tham khảo (có danh sách và giá cả cần bán).
Chỉ vào những cây gỗ, ông Toàn cho biết, số gỗ này được trục vớt tại lòng hồ Dầu Tiếng rồi tập kết về đây và một vài điểm khác nên có số lượng lớn. Vì vậy, khi giao dịch người mua sẽ nhận được giá cả phải chăng. “Các anh cứ yên tâm, việc vận chuyển gỗ trong phạm vi huyện Dầu Tiếng sẽ được bên bán chúng tôi lo liệu, không sợ bị bắt hay xử phạt”, ông Toàn cho biết thêm.
Lãnh đạo Chi cục kiểm lâm né tránh?
Để tìm hiểu rõ hơn thông tin vụ việc, ngày 24/6/2024, PV đã đến Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bình Dương. Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Ớ – Chi Cục trường Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết: “Theo quy định, gỗ trục vớt tại lòng hồ phải thông qua đấu giá chứ không được phép bán ra bên ngoài. Tôi sẽ chỉ đạo xác minh làm rõ những thông tin mà phóng viên đã cung cấp, đồng thời sẽ báo cáo lên các cấp lãnh đạo để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có sai phạm. Sau khi có đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ phản hồi lại cho báo chí theo đúng quy định”.
Hình ảnh tin nhắn của ông Nguyễn Xuân Đô – Kiểm lâm viên về giá bán các loại gỗ.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tháng trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào. Chúng tôi cũng đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Văn Ớ để hỏi về kết quả xác minh vụ việc như thế nào thì ông Ớ chỉ trả lời qua loa: “Chúng tôi đã có báo cáo lên cấp trên, tuy nhiên chưa có kết quả phản hồi nên chưa thể cung cấp được bất cứ thông tin gì!”.
Bình luận về vụ việc trên, LS Phan Văn Việt, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, căn cứ vào Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017; điểm l khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), quy định về tội vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
Việc một số cán bộ và nhân viên kiểm lâm của trạm Dầu Tiếng câu kết doanh nghiệp bên ngoài để bán gỗ là tài sản công có thể đã diễn ra trong thời gian dài và không phải là vài chục khối gỗ như chúng tôi đã nhìn thấy. Điều này không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý tài sản của nhà nước mà còn có hành vi bao che cho việc khai thác trái phép tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành kiểm lâm nói riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói chung, cũng như các chính sách khác của tỉnh Bình Dương trong việc chỉnh đốn công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương sớm vào cuộc điều tra làm rõ, hành vi gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và nguồn thu ngân sách nhà nước tại Chi Cục kiểm lâm tỉnh. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có).
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Một cây gỗ dài được nói là trục vớt.