Dọc sông Thương đoạn qua huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có 21 bến cảng không phép nhưng vẫn hoạt động rầm rộ. Hình ảnh từ trên cao cho thấy, các cảng lậu này băm nát bờ sông, vật liệu, công trình xâm phạm hành lang thoát lũ, lấn chiếm đất công. Hoạt động này còn gây nguy cơ mất nhiều khoản thu của Nhà nước…
Như Tiền Phong phản ánh, trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có tổng 21 bến bãi tập kết và trung chuyển vận chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động. Trong đó, có 19 bến bãi đã làm thủ tục thuê đất, còn 2 bến bãi chưa được thuê đất là hộ ông Nguyễn Duy Sỹ và Nguyễn Văn Ngôi.
Mặc dù, 21 bến bãi tại huyện Yên Dũng không được cấp phép bến thủy nội địa nhưng theo ghi nhận của PV, nhiều bến bãi vẫn bốc xếp hàng hóa dưới sông Thương.
Tại thôn Lạc Gián, xã Hương Gián, bến của ông Hồ Văn Cường mặc dù chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa nhưng hoạt động bốc xếp hàng hóa lên xuống tàu vẫn diễn ra rầm rộ. Được biết, cũng tại xã này, mặc dù bến của ông Nguyễn Duy Sỹ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp phép nhưng vẫn lén lút hoạt động. UBND huyện Yên Dũng đã có quyết định xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động nhưng bến này vẫn tiếp tục tái phạm.
Men theo dòng sông Thương đến đoạn gần cầu Bến Đám (xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng), các bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng nằm ken đặc khúc sông này. Có thể kể đến như các bãi tập kết vật liệu xây dựng của hộ kinh doanh Trần Thị Thu, Phan Thế Việt, Nguyễn Hữu Sinh, Phan Thế Văn, Trần Hữu Trường, Giáp Thành Trung, Công ty TNHH Quốc Kỳ…
Các núi cát khổng lồ được chất cao cả chục mét nằm ngay sát bờ sông.
Có đoạn bờ sông bị sụt lún, tường bao, cột chống được dựng tạm bợ.
Trao đổi với PV, ông Ngụy Thế Kiên, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Yên Dũng cho hay: “Đối với những bãi chưa được thuê đất, họ vẫn lén lút hoạt động thì sẽ kiểm tra, xử lý. Còn các bãi tập kết vật liệu khác, qua 15/6 sẽ phải di dời, không được tập kết nữa. Ngoài ra, việc các bãi tập kết vật liệu để vật liệu ngoài ranh giới phạm vi được cấp phép hay quá chiều cao sẽ bị xử lý”.
Theo ông Kiên, trước đây, một số bãi đã được sở GTVT được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa được nhưng đã hết hạn. Hiện nay, việc gia hạn bến thủy nội địa liên quan đến thuê thêm phần đất sát mép bờ sông. Theo quy định phải để phần đất lưu không cách mép sông mép sông 10m nhưng để được cấp bến thủy phải có phần đất sát sông. Huyện Yên Dũng đang hướng dẫn các chủ bến thuê thêm các phần đất này. Đây là phần đất công, và để sử dụng phải đấu giá chứ không phải thuê như trước đây. Như vậy, các phần đất rìa sông, nơi các bến lậu sử dụng như hiện nay là chưa thuê, gây thất thu ngân sách.
Phía trên đê, mặt đường đê cấp II đã được thảm bê tông nhưng luôn bị phủ cát và đất. Có đoạn, cơ quan chức năng đã chốt cọc, cắm biển hạn chế tải trọng hòng chặn xe quá tải nhưng bất thành.
Trong khoảng 1 tiếng ghi nhận tại khu vực gần cảng Hưng Giang, Nhà máy bê tông Hùng Phát có hàng trăm chuyến xe tải từ khu vực bến ông Cường, ông Sỹ vượt đê chở cát, đá vào trong nhà máy bê tông. Có lẽ chỉ chở cát trong khoảng cách từ bãi sông Thương vào nhà máy chừng 200m nên hầu hết xe tải đều không che chắn nên bụi bay mù mịt.
Xe tải di chuyển từ bãi tập kết cát chảy nước xuống đường.
Nhóm PV Bạn đọc – Báo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
Xem bài viết gốc tại đây:
https://tienphong.vn/canh-bo-song-thuong-qua-bac-giang-nham-nho-vi-hang-chuc-cang-lau-post1638916.tpo