Cần làm rõ những sai phạm của 2 dự án lớn ở Sơn La

Trong vòng 10 tháng, tại một xã của tỉnh Sơn La đã đưa vào khánh thành hoạt động 2 nhà máy thuộc lĩnh vực sản xuất phân bón và sản xuất cà-phê với quy mô lớn nằm sát nhau tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. Đây là 2 dự án lớn nhưng lại có những vi phạm khá tương đồng ngay từ lúc mới triển khai, không chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những sai phạm này chỉ được xử phạt hành chính rồi sau đó là việc ‘hợp thức’ giấy tờ cho những sai phạm…?

Ngày 9/2/2023, Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc (Công ty phân bón) đã tổ chức khánh thành Nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc (Nhà máy phân bón). Dự án được triển khai xây dựng tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, quy mô hơn 8,1ha, công suất 90.000 tấn/năm, gồm dây chuyền sản xuất phân bón vô cơ công suất 45.000 tấn/năm và phân bón hữu cơ vi sinh công suất 45.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư gần 160 tỷ đồng.

Ngày 21/10/2023, cũng tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, lễ khánh thành Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La (Nhà máy cà-phê) cũng được tiến hành. Nhà máy do Công ty cổ phần chế biến cà-phê Sơn La (Công ty cà-phê) đầu tư xây dựng với công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm, gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi.

Cả 2 nhà máy nói trên được đánh giá là những dự án trọng điểm, sẽ góp phần thay đổi diện mạo của vùng… Tuy nhiên, không hiểu lý do nào mà liên tục những vi phạm của 2 dự án này đều diễn ra tương đồng, đặt ra nhiều câu hỏi có hay không việc bao che của cấp ủy, chính quyền nơi đây hay doanh nghiệp đã “khéo léo” để qua mặt được các sở, ngành, chính quyền địa phương để vi phạm…?

Liên tục bị xử phạt

Qua làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn, được biết ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty phân bón đã tiến hành san lấp đất và đồng thời tiến hành xây dựng một số hạng mục công trình từ ngày 18/2/2022. Tuy nhiên, phải đến ngày 5/5/2022, Ủy ban nhân dân xã Mường Bon mới lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về hành vi triển khai thi công xây dựng khi chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng.

Dù chưa đủ điều kiện hoạt động, nhưng từ ngày 7/11/2022, Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc đã chính thức vận hành dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh mà theo lãnh đạo Sở Công thương là không được biết.

Đến ngày 2/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 983/QĐ-UBND xử phạt hành chính hơn 267 triệu đồng với hành vi chiếm hơn 6,8ha đất và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên. Trong quyết định không yêu cầu dừng hoạt động. Việc để xảy ra vi phạm xuyên suốt, kéo dài, bất chấp các quy định của pháp luật của Công ty phân bón bắt nguồn từ việc thiếu trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã Mường Bon và Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn.

Tiếp đó, sau khi phát hiện vi phạm của Công ty phân bón đã tự ý thiết kế và tự phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công, không xin ý kiến của Sở Công thương, Sở Công thương đã đề nghị Sở Xây dựng xem xét giải quyết vi phạm quy định về thủ tục, trình tự xây dựng.

Đến ngày 15/3/2023, Sở Xây dựng tỉnh Sơn La ra Quyết định số 11/QĐ-XPHC xử phạt Công ty phân bón 50 triệu đồng hành vi không gửi cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng, tức là sau hơn 1 tháng kể từ ngày tổ chức một buổi lễ khánh thành nhà máy trang trọng, hoành tráng, quy mô với sự tham dự của gần như đầy đủ lãnh đạo tỉnh Sơn La và các sở, ngành. Đây cũng là lần thứ 2 Sở Xây dựng tỉnh Sơn La ra quyết định xử phạt Công ty phân bón. Lần đầu là ngày 16/5/2022 xử phạt 70.000 đồng với hành vi khởi công xây dựng công trình khi chưa được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công…

Từ ngày 5/11/2022, Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng đại lý cấp 1 phân phối sản phẩm phân bón Sông Lam Tây Bắc và tổ chức cho đại lý tham quan dây chuyền sản xuất.

Có thể hiểu là Nhà máy phân bón được khởi công khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Và công ty này đã tự ý tiến hành xây dựng thông cho đến khi hoàn thành dự án nhưng vẫn chưa đủ điều kiện và không bị bất cứ cấp nào “tuýt còi” dừng lại.

Thậm chí, từ ngày 5/11/2022, Công ty phân bón đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng đại lý cấp 1 phân phối sản phẩm phân bón Sông Lam Tây Bắc và ngày 7/11/2022 đã chính thức vận hành dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh sử dụng công nghệ Bioway của Mỹ, mà công trình xây chưa được nghiệm thu trước khi đi vào hoạt động theo quy định?

Cũng tương đồng với hành vi vi phạm nói trên, ngày 14/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ra Quyết định số 1501/QĐ-XPVPHC xử phạt số tiền 170 triệu đồng Công ty cà-phê về hành vi chiếm hơn 4ha đất san gạt, xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành và các hạng mục khác mà không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Được biết, Công ty cà-phê được thành lập ngày 10/5/2023. Đến ngày 1/7/2023 được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy. Hơn 3 tháng sau, công ty này đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La cũng rất hoành tráng với sự có mặt của lãnh đạo Trung ương và địa phương diễn ra vào ngày 21/10/2023.

Một bao phân trong số 17 tấn phân thuộc lô phân thử nghiệm mà người dân phản ánh gây ảnh hưởng cây trồng do cán bộ của Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc bán ra cho người dân.

Điều đáng nói, đến ngày 26/9/2023, Công ty cà-phê mới được tỉnh Sơn La cho thuê đất nhưng hoạt động san lấp, xây dựng đã được tiến hành từ tháng 7/2023. Vậy là Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn đã không phát hiện kịp thời hay biết nhưng vì bị “ép tiến độ” mà không có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật?

Mới đây, chúng tôi lại tiếp tục nhận được phản ánh từ người dân về việc Công ty cà-phê tiến hành thu mua diện tích đất nông nghiệp của một số hộ dân được Công ty trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp Tô Hiệu Sơn La giao để sản xuất rồi tự ý san lấp, xây dựng trái pháp luật. Về nội dung này, Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn cho biết đã nhận được thông tin và đang cho kiểm tra, xử lý theo quy định…

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn, cho biết: Nói là 2 nhà máy nhưng thực tế là của cùng 1 đơn vị doanh nghiệp đứng liền với nhau. Quá trình mở rộng, san lấp cũng như tiến độ của nhà máy cà-phê còn nhanh hơn. Sau khi nhà máy phân bón đã có rồi thì làm tiền đề cho cà-phê. Tiến độ gắn liền với ngày 26/10, 15 năm ngày thành lập thành phố Sơn La và kỷ niệm ngày thành lập tỉnh Sơn La cho nên lúc đấy chắc chắn ép tiến độ thời gian…?

Chưa đủ điều kiện đã hoạt động

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo sở và Phòng Công nghiệp thuộc Sở Công thương tỉnh Sơn La, được biết: Nhà máy phân bón là công trình công nghiệp cấp III. Đây là dự án thuộc danh mục có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Dự án thuộc đối tượng phải được Sở Công thương thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo quy định, sau khi đã cấp chủ trương đầu tư thì bước tiếp theo lập Thiết kế cơ sở theo dự án khả thi để đầu tư xây dựng và lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, (đối với Thiết kế cơ sở theo dự án, Sở Công thương đã tiếp nhận hồ sơ, xin ý kiến các ngành và đã có Công văn thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở. Trên những cơ sở đó, chủ đầu tư phải lập bản vẽ thiết kế thi công trước theo quy định và phải trình xin ý kiến thẩm định của Sở Công thương và sở quản lý chuyên ngành về xây dựng, trước khi thi công công trình.

Các đại biểu tham dự Lễ khánh thành Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn vào ngày 21/10/2023.

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công thương Sơn La, cho biết: Chủ đầu tư đã tổ chức triển khai thực hiện sau bước thiết kế cơ sở, tự thiết kế và tự phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công, không xin ý kiến của Sở Công thương. Sở Công thương đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn và đề xuất, phối hợp Sở Xây dựng đôn đốc, hướng dẫn để chủ đầu tư thực hiện quy trình, trước khi phê duyệt thiết kế thi công xin ý kiến của đơn vị quản lý chuyên ngành. Thế nhưng chủ đầu tư chưa trình.

Ngày 22/3/2023 (tức là sau ngày khánh thành đi vào hoạt động 1 tháng 13 ngày), Sở Công thương tỉnh Sơn La mới nhận được tờ trình của nhà đầu tư trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công dự án nhà máy phân bón. Đến ngày 24/3/2023, Sở Công thương tiến hành kiểm tra thực tế thì thấy các hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành và đi vào sử dụng; máy móc, thiết bị sản xuất đã lắp đặt xong và vận hành; trong kho đã chứa sản phẩm thành phẩm. Vậy là chưa đủ điều kiện để xây dựng, nhà máy này đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất.

Công ty cổ phần chế biến cà-phê Sơn La đã có hoạt động san lấp, xây dựng các hạng mục từ tháng 7/2023.

Ông Lê Văn Tú, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Sơn La, cho biết: Sở Xây dựng chỉ phối hợp Sở Công thương chứ không tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm. Việc thực hiện tiếp theo là của các cơ quan chức năng khác, thí dụ Sở Công thương, huyện, xã sẽ thực hiện việc đó trên địa bàn hoặc quản lý theo ngành.

Vấn đề được đặt ra là có phải hay không chỉ là việc chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phát hiện muộn hành vi vi phạm của doanh nghiệp? Thái độ của Công ty phân bón và Công ty cà-phê đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật như thế nào? Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công thương Sơn La, khẳng định: Về Nhà máy phân bón, đơn vị sẽ phải có một bản báo cáo tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đơn vị vẫn chưa có báo cáo tổng hợp. Theo quy định của Nhà nước, phải hoàn thành tất cả các thủ tục về pháp lý thì mới được đi vào hoạt động.

Câu hỏi đặt ra là lãnh đạo tỉnh Sơn La có biết đây là những công trình vi phạm? Hay Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn, các cơ quan chuyên môn không báo cáo về những vi phạm của 2 công ty này với lãnh đạo tỉnh Sơn La trước khi dự buổi lễ khánh thành?

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La.

Sản phẩm phân bón của Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc đã từng bị người dân phản ánh có dấu hiệu gây ảnh hưởng tới việc trồng trọt. Trong khi thực tế cho thấy hoạt động chế biến cà-phê luôn là mối lo cho người dân tại các địa phương. Và câu chuyện người dân thành phố Sơn La lao đao do thiếu nước vì hoạt động chế biến cà-phê đã từng liên tiếp xảy ra trong nhiều năm. Do đó, với những công trình chưa đủ điều kiện để hoạt động như trên, người dân có quyền lo lắng và kiến nghị.

Nhóm PV – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: 2 Nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc và Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La nằm sát nhau tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.vn/can-lam-ro-nhung-sai-pham-cua-2-du-an-lon-o-son-la-post811319.html