Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Quảng Ngãi lâm cảnh chậm tiến độ, chưa hẹn ngày hoàn thành vì tắc giải phóng mặt bằng.
Quá hẹn bàn giao, mặt bằng vẫn ngổn ngang
Theo cam kết của tỉnh Quảng Ngãi với Chính phủ, địa phương này sẽ hoàn thành công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn vào cuối tháng 9/2023. Song, đến nay đã hết tháng 5/2024, diện tích mặt bằng thi công tuyến chính dự án vẫn chưa được bàn giao toàn bộ.
Ghi nhận của PV tại gói thầu XL1, đoạn từ Km0-Km5, thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa) không khó để nhận diện những vướng mắc đang cản trở tiến độ dự án.
Ngay đoạn đầu tuyến, loạt nhà dân vẫn còn y nguyên, người dân vẫn sinh hoạt buôn bán làm ăn như thường lệ.
Phía bên kia tỉnh lộ 623B là hình ảnh mặt bằng ngổn ngang, xôi đỗ. Bên cạnh một số ngôi nhà được tháo dỡ, bàn giao mặt bằng là những ngôi nhà cao tầng vẫn án ngữ. Nhà thầu không thể tiếp cận để tổ chức thi công do mặt bằng quá hẹp.
Dọc theo tuyến chính dự án do nhà thầu Dacinco thi công cũng ken đặc nhà và cây trồng trên đất của người dân vẫn chưa được tháo dỡ, di dời.
“Người dân cho biết, họ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng vì chưa thống nhất với đơn giá bồi thường và phần vì chờ xây nhà mới ở khu tái định cư”, đại diện nhà thầu thông tin.
Cập nhật tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án, ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, thời điểm hiện tại, địa phương đã bàn giao gần 35/37,79ha, tương ứng với hơn 91% tổng diện tích quy hoạch.
Hiện còn 39 hộ với 83 ngôi nhà trên 54 thửa đất người dân chưa thống nhất nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.
“Vướng mắc nhất ở những trường hợp này là nhóm hộ đăng ký đất vào sổ 5b và bản đồ 299, người dân yêu cầu phải bố trí đất tái định cư, nhưng quy định hiện hành chưa có dẫn đến chưa thể dứt điểm được”, ông Vinh nói và cho biết thêm, trong phạm vi GPMB hiện cũng còn 22 hộ dân với 34 ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn.
Dọc theo hướng tuyến qua địa bàn huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, TX Đức Phổ, PV cũng ghi nhận nhiều vị trí mặt bằng xôi đỗ, nhất là những vị trí quyết định đến tiến độ của dự án như: hạng mục mố cầu phía Nam cầu Sông Vệ, hệ thống cầu, cống vượt các tuyến tỉnh lộ…
Được biết, tính đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao mặt bằng tương ứng với diện tích 489/494ha, đạt 99% tổng diện tích quy hoạch. Còn 59 hộ/4,94ha chưa bàn giao mặt bằng tuyến chính.
Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, tiến độ thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đang chậm so với kế hoạch. Tỷ lệ mặt bằng còn lại rất ít nhưng các điểm vướng mắc trải dài với 44 điểm vướng cây cối, nhà cửa và 33 điểm vướng hạ tầng chưa di dời.
“Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng tốc thi công, song, thực trạng mặt bằng hiện nay đang khiến kế hoạch dồn lực gia tăng sản lượng gặp rất nhiều khó khăn.
Mùa mưa đến sẽ càng khó thêm, trong khi thời gian còn lại để hoàn thành dự án không nhiều. Tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung tháo gỡ mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà thầu khơi thông các điểm nghẽn, bứt tốc các hạng mục”, ông Thắng kiến nghị.
Loạt dự án giao thông nghìn tỷ chờ mặt bằng
Tìm hiểu của PV, trong khi dự án cao tốc trọng điểm “tắc” công địa, các dự án hạ tầng giao thông do tỉnh Quảng Ngãi đầu tư có vốn lên đến trên dưới 7.000 tỷ đồng còn thê thảm hơn khi “sờ đâu cũng vướng”, nhiều dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ buộc tỉnh này phải gia hạn thời gian hoàn thành.
Tại dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn 2a thành phần 1 có chiều dài hơn 13km, vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Sau nhiều năm triển khai thi công, đến nay lũy kế giá trị thực hiện xây lắp đạt hơn 475 tỷ đồng, tương ứng 71% giá trị hợp đồng. Trong đó, cơ bản hoàn thành 5/6 cầu trên tuyến và hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường 4/13,28Km.
Tuy vậy, dọc theo chiều dài tuyến dự án là tình trạng mặt bằng xôi đỗ, công trường đứt quãng làm nhiều đoạn, điểm. Tại vị trí đoạn tuyến qua địa phận huyện Mộ Đức, nhiều tháng qua công tác tổ chức thi công khá chậm chạp.
Tại đoạn tuyến qua xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi), một đoạn nền đường dài khoảng 200m do nhà thầu Đồng Khánh thi công đã hoàn thành việc đắp đất nền, lu lèn và thảm bê tông nhựa lớp mặt. Tuy vậy, hai đầu tuyến bị “bịt kín” bởi nhà dân dẫn đến nhà thầu dù nỗ lực nhưng không thể mở rộng công địa.
Tương tự, dự án đường Thạch Bích – Tịnh Phong có chiều dài hơn 6km, vốn đầu tư 694 tỷ đồng theo kế hoạch sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024. Thế nhưng, sau khoảng 2 năm, tiến độ thi công dự án mới đạt khoảng 44% tổng giá trị hợp đồng.
Dọc theo tuyến chính dự án là tình trạng mặt bằng xôi đỗ dẫn đến dự án thi công đứt quãng nhiều đoạn. Ngoài vướng mắc về nhà, vật kiến trúc thì tại dự án này còn vướng đơn giá bồi thường cây trồng lâu năm, công trình chăn nuôi… trong đất vườn nhà.
Được biết, năm 2024, dự án được bố trí kế hoạch vốn 200 tỷ đồng, từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nhưng đến nay vốn chưa được bố trí và nhập vào hệ thống nên chủ đầu tư chưa thể giải ngân khối lượng cho nhà thầu đã thi công.
Không riêng gì hai công trình trên mà nhiều dự án khác như: Đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi (3.500 tỷ đồng) đến nay mới bàn giao mặt bằng khoảng 15,5%, giá trị thi công đạt gần 4 tỷ đồng/2.350 tỷ đồng, tương đương 0,17%.
Các dự án khác như: Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (1.500 tỷ đồng); Cầu Trà Khúc 3 (850 tỷ đồng)… cùng các dự án hạ tầng khác kết hợp giao thông cũng đang trong tình trạng vừa thi công vừa ngóng mặt bằng.
Quảng Ngãi gỡ nút thắt mặt bằng thế nào?
Do tồn tại về mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành công tác GPMB dự án đến hết ngày 30/6 và chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện.
Như vậy, thời gian còn lại để tỉnh này hoàn thành 100% công tác bồi thường, GPMB chỉ hơn một tháng.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, đơn vị đang phối hợp với các địa phương và nhà thầu thi công tập trung rà soát từng vị trí cụ thể bàn biện pháp giải quyết.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, dù phần mặt bằng còn lại chiếm tỷ lệ 1%, nhưng đây là vấn đề khó khăn vì liên quan đến đất ở và nhà trên đất. Do đó, địa phương phải rà soát từng trường hợp để thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật nhưng cũng không để thiệt thòi cho người dân.
Đối với các trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp, làm nhà trên diện tích đất thuộc bản đồ 299 nhưng hồ sơ không đảm bảo, sau khi GPMB không còn nhà ở nào khác, thống nhất giao đất tái định cư. Đối với các trường hợp còn lại sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất và hoàn thành trong tháng 6/2024.
“Tinh thần của tỉnh là quyết tâm làm và hoàn thành từng đầu việc đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà thầu”, ông Hiền nói.
Liên quan đến các dự án giao thông do tỉnh đầu tư đang gặp vướng mắc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay đã chỉ đạo chủ đầu tư, các địa phương rà soát từng vướng mắc cụ thể, họp bàn để tháo gỡ. Trong đó, tập trung tháo gỡ những vị trí quan trọng tác động lớn đến đường găng tiến độ.
Theo Giao Thông
Xem bài viết gốc tại đây: