Cận cảnh Đà Lạt trắng xóa nhà kính, nóng ngột ngạt

Mặc dù đã có liệu trình để xóa bỏ dần nhà kính và trả lại mảng xanh cho Đà Lạt nhưng hiện tại đây vẫn là nhiệm vụ bất khả thi và ngày càng khó.

Sáng tháng 5, nắng chói chang rọi xuống những tấm nylon của dãy nhà kính ở trung tâm thành phố Đà Lạt, khiến nơi đây đã nóng lại càng trở nên ngột ngạt.

Một số nơi trong nội thành Đà Lạt có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12. Nhìn từ trên cao, khắp không gian bị nhà kính lấn át khiến vành đai xanh bao quanh thành phố biến mất. Rừng thông chỉ còn lác đác một số cụm ở ngoại ô.

Hiện tại, người dân ở thành phố Đà Lạt làm nhà kính tự phát mà không hề có cơ quan chuyên môn, chức trách có thẩm quyền nào thẩm định, định hướng và quy hoạch.

Nhiều người dân lý giải, nhà kính mọc lên rất nhanh tại Đà Lạt vì giá rẻ, có nhà kính thì không lo nắng mưa, giúp rau và hoa quả cho năng suất cao.

Mặc dù nhà kính mang lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp nhưng do cơ quan chức năng không quản lý tốt nên chúng lại phản tác dụng, gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường, khiến Đà Lạt từ xưa vốn luôn mát mẻ thì giờ chỉ có thể mát vào mùa đông.

Cách đây 2 năm, Đà Lạt từng xây dựng lộ trình hạn chế phát triển nhà kính, tăng cường canh tác tự nhiên, phát triển công nghệ sinh học, cây giống…và triển khai dần để người dân làm quen.

Tuy nhiên, không thể ngờ rằng số lượng nhà kính Đà Lạt lại tăng lên rất nhanh và nhiều, khiến bây giờ việc hạn chế, xóa bỏ nhà kính tại đây là bài toán khó.

Nhiều người dân Đà Lạt than phiền việc nhà kính tự phát đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm tăng hiệu ứng nhà kính và phá vỡ cảnh quan của thành phố xinh đẹp.

Nghiêm trọng hơn, bên trong nhà kính như cái lồng đầy thuốc độc, hạn chế được sâu hại nhưng cũng ảnh hưởng cực nặng nề đến sức khỏe người lao động.

Nhà kính cũng đang là mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt là du lịch.

Theo các chuyên gia, việc bố trí nhà kính như hiện nay sẽ chỉ làm nên một Đà Lạt trắng xóa và nóng. Nhà kính xây dựng san sát nhau thành những thung lũng, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt. Khi môi trường bên ngoài nóng lên, người ta phải làm mát bên trong nhà kính, lúc đó hơi nóng từ trong nhà kính sẽ lan tỏa ra xung quanh, theo những hành lang thung lũng bao trùm lên Đà Lạt, hâm nóng bầu khí quyển. Và như thế, nhiệt độ khu vực trung tâm và vùng lân cận Đà Lạt sẽ tăng lên rõ rệt.

Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP Đà Lạt hiện còn tổng cộng 2.938 ha nhà kính, tập trung chủ yếu tại một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm như Phường 5, Phường 7, Phường 11, Phường 12 và xã Xuân Thọ.

Trong vòng 3 thập kỷ qua, nhiệt độ không khí trung bình nhiều năm đã tăng 0,2 – 0,6 độ C. Nguyên nhân là do hạ tầng cơ sở thay đổi rất nhiều. Bê tông hóa, sự phát triển giao thông và suy giảm thảm thực vật rừng kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động đến chế độ nhiệt ở Đà Lạt.

Nguyễn Ba – Báo VTC News

Theo VTC News

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vtcnews.vn/can-canh-da-lat-trang-xoa-nha-kinh-nong-ngot-ngat-ar873248.html