Giải bài toán nhà ven kênh rạch

Việc di dời, giải tỏa nhà ven kênh rạch là việc khó nhưng phải làm ngay để TP HCM trở thành một đô thị sạch sẽ, hiện đại, khang trang

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, hệ thống kênh, rạch trong phạm vi nội thành với tổng chiều dài hơn 105 km, giải quyết tiêu thoát nước lưu vực 14.200 ha. Tuy nhiên, lòng kênh bị thu hẹp do bị hàng chục ngàn hộ dân lấn chiếm.

Vì vậy, di dời nhà ven, trên kênh rạch để tạo lập không gian đô thị sạch đẹp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Sau gần 10 năm nỗ lực triển khai, tiến độ di dời nhà ven kênh rạch ở thành phố còn chậm.

Vướng mắc từ đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là khó khăn trong khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư vì số liệu chưa đầy đủ, trình tự thẩm định, công bố giá nhà tái định cư chậm, giá bồi thường chưa tiệm cận giá thị trường…

Đó còn là vướng mắc từ thiếu khả năng thu hút nhà đầu tư. Hầu hết các căn nhà trên kênh do lấn chiếm nên không có hồ sơ pháp lý, không có cơ sở để tính giá đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư… Họ không được bồi thường theo chính sách của nhà nước, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ.

Trong khi đa số người dân sống trên và ven kênh rạch hiện nay là lao động có thu nhập thấp, gặp khó khăn trong bảo đảm sinh kế khi bị giải tỏa, hầu như trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước để tạo lập chỗ ở mới.

Ngoài ra, việc sử dụng vốn đầu tư các dự án di dời nhà ven kênh chủ yếu bằng vốn ngân sách nhà nước trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Việc tìm kiếm vị trí thích hợp để di dời, tái định cư cho các hộ gia đình cũng là một trong những thách thức lớn. Thành phố không còn nhiều không gian trống để xây dựng khu dân cư mới, đặc biệt là vùng gần khu trung tâm.

Bước ngoặt mới

TP HCM đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Trong đó có một số điều khoản có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn.

Cụ thể, trong quy định về quản lý đầu tư, HĐND thành phố có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.

Đồng thời, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, ngân sách TP HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa, di dời, cải tạo nhà trên và ven kênh rạch.

Như vậy, thông qua Nghị quyết 98, nguồn vốn ngân sách đầu tư dành cho dự án giải tỏa, di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch có khả năng sẽ được giải quyết. Vấn đề là thành phố phải xây dựng cơ chế linh hoạt trong việc di dời nhà ở trên, ven kênh rạch.

Ngoài ra, cần tìm các nguồn vốn đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau như vốn Chính phủ, vốn từ nhà đầu tư, vốn vay của các tổ chức tài chính.

Có chính sách, cơ chế thật sự cởi mở, thông thoáng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào việc hỗ trợ tài chính cho dự án di dời nhà ở ven và trên kênh rạch. Chỉ khi các bên cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm thì mới giải quyết được vấn đề.

Trước mắt, do chưa có nguồn lực, cần tập trung vào từng dự án, địa bàn trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời có đánh giá từng tiêu chí phù hợp về nguồn lực tài chính và con người; vận dụng các chính sách, cơ chế đặc thù khuyến khích xã hội hóa nguồn vốn. Tăng cường tiếp cận các nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng, các định chế tài chính quốc tế.

Để công tác di dời nhà ở ven kênh rạch đạt kết quả, cần sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của cộng đồng về việc hưởng ứng chương trình chỉnh trang đô thị.

Mặt khác, thủ tục hành chính cần được rút gọn, việc xác định vị trí tái định cư phải được thực hiện một cách cẩn thận và chi tiết, bảo đảm người dân được tái định cư đến nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn so với nơi ở cũ.

Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của cộng đồng vào quá trình di dời, để người dân có thể đóng góp ý kiến và giám sát việc thực hiện các chính sách.

Di dời nhà ven và trên kênh rạch cũng cần đi đôi với việc cải tạo môi trường, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một điểm cần lưu ý sau khi di dời, phải có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng tái lấn chiếm kênh rạch.

Cải tạo, chỉnh trang đô thị phải theo nguyên tắc hài hòa lợi ích các bên liên quan, trong đó đặc biệt quan trọng là giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng.

Chung Quỳnh Thảo Nghi – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Nhà ven rạch Xuyên Tâm. Ảnh: QUỐC ANH

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/giai-bai-toan-nha-ven-kenh-rach-196240426211749138.htm