Vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu. Đáng chú ý, sáng 4/3/2024, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (IQAir ) xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới. Trên ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí PamAir, vào lúc 15 giờ 51 phút ngày 4/3, điểm có chất lượng không khí xấu nhất là khu vực phố vườn Dâu, Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) với mức AQI lên đến 236, mức cảnh báo màu tím, rất có hại cho sức khỏe.
Nhiều điểm có chỉ số ô nhiễm không khí nằm trong mức cảnh báo ô nhiễm mầu đỏ như: Khu vực Thành Công, Đội Cấn (quận Ba Đình), phố Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm), Quan Hoa (Cầu Giấy), quận Tây Hồ. Dữ liệu chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội được thu thập từ 18 trạm kiểm soát không khí với chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Và khi chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cảnh báo, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hiện dân số Thủ đô đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm hơn 40%. Một trong những nhóm nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí, được xác định là từ khí thải của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, nhất là tình trạng phương tiện chất lượng kém vẫn đang lưu hành, dẫn đến lượng khí thải gây ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể do hoạt động của máy móc thi công, phương tiện vận chuyển phát sinh chất khí độc hại và tiếng ồn. Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để xây dựng các công trình cũng kéo theo nguy cơ ùn tắc giao thông dẫn đến làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm không khí do khói bụi, hơi xăng dầu tại các vị trí ùn tắc.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan như: Bụi mịn, chất ô nhiễm từ bên ngoài di chuyển vào thành phố Hà Nội. Một số huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Oai đốt rơm rạ khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao.
Để tăng cường cải thiện chất lượng không khí, thời gian qua, Hà Nội ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0-Net Zero vào năm 2050.
Ngày 2/3/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Kế hoạch xây dựng dựa trên những quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, cùng các nghiên cứu khoa học, yêu cầu phát triển và kinh nghiệm thực tiễn.
Theo đó, Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, đã đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được. Đáng chú ý, kế hoạch này đặt ra chỉ tiêu phấn đấu 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; đồng thời duy trì và tiếp tục cải thiện các thông số SO2, NO2, CO, O3 trong môi trường không khí thành phố nằm trong giới hạn cho phép của QCVN05:2023/BTNMT…
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các Kế hoạch về quản lý, xử lý ô nhiễm không khí nói riêng, ô nhiễm môi trường nói chung, để cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô trong những giai đoạn, lộ trình tiếp theo, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Tiến sĩ Dương Hoàng Tùng cho rằng, các cơ quan và ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để các văn bản luật về bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, từ đó làm cơ sở để những người được giao nhiệm vụ được hướng dẫn thực thi.
Mặt khác, cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí; tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch. Các sở, ngành, nhất là tại các địa phương, cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.
Quang Minh – Báo Nhân Dân
Theo Nhân Dân
Ảnh: Chất lượng không khí tại Hà Nội cuối năm 2023, đầu năm 2024 thường xuyên ở mức xấu.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nhandan.vn/bui-min-thu-do-va-tam-nhin-nam-2050-cho-nhieu-do-thi-post805392.html