Khai thác khoáng sản gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động là thực trạng đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương tại Nghệ An
Lèn Hai Vai thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là quần thể di tích, danh thắng có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Năm 1994, di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch)công nhận là Di tích lịch sử – danh thắng cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ đó đến nay di tích này thường xuyên bị xâm hại để lấy đất đá.
Xâm hại di tích lịch sử quốc gia
Có mặt tại di tích này những ngày tháng 3-2024, chúng tôi ghi nhận nhiều vị trí dưới chân lèn Hai Vai bị đào bới nham nhở. Ông Võ Đình Quyền, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, cho biết khi phát hiện việc đào múc đất ở khu vực di tích, xã đã lập biên bản và báo cáo huyện.
Ngày 28-3, UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết vừa có văn bản đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực di sản văn hóa và lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH Trung Việt Hưng – đã đào múc đất đá trái phép tại khu vực chân lèn Hai Vai; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Đối với hành vi vi phạm Luật Di sản, UBND huyện Diễn Châu đề xuất UBND tỉnh xử phạt doanh nghiệp này 90 triệu đồng. Tương tự, hành vi vi phạm Luật Khoáng sản cũng bị đề xuất mức phạt 90 triệu đồng. Tổng mức phạt là 180 triệu đồng. Ngoài ra, buộc công ty phải khắc phục hậu quả bằng việc bồi hoàn, khôi phục hiện trạng ban đầu của di tích.
Ngay sau khi nhận được thông tin, theo ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, huyện đã lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, tại di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia núi Lam Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An việc khai thác quặng mangan nằm trong khu vực di tích suốt thời gian dài đã khiến di tích gắn liền với chiến công xưa của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong kháng chiến chống quân Minh bị đào xới tan hoang. Các huyện như Nam Đàn, Thanh Chương trước đó cũng có tình trạng khai thác khoáng sản có nguy cơ ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa.
Ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động
Huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An là “thủ phủ” của khai thác khoáng sản với hàng trăm điểm mỏ, cơ sở chế biến khoáng sản được cấp phép. Việc khai thác khoáng sản ồ ạt đang biến nhiều nơi vốn bình yên thành “vùng đất chết”.
Có mặt tại tuyến Tỉnh lộ 532 từ xã Châu Lộc đi Châu Thành, các tuyến đường đi qua các xã Châu Hồng, Liên Hợp, Châu Quang, chúng tôi đi đến đâu cũng gặp cảnh bụi mù mịt, đường đầy “ổ gà”, “ổ voi” do những đoàn xe tải hạng nặng ngày đêm chở khoáng sản “tàn phá”. Hai bên đường, những dãy đồi núi bị đào bới tan hoang do việc khai thác đá hoa trắng, quặng thiếc để lại. “Đồi núi bị đục khoét nham nhở, đường thường xuyên hư hỏng, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Họ khai thác khoáng sản thu được tiền, còn chúng tôi thì gánh hậu quả. Kiến nghị bao nhiêu lần rồi nhưng không được giải quyết” – một người dân xã Liên Hợp bức xúc.
Tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp nơi có hàng chục mỏ khai thác đá, quặng được cấp phép hoạt động đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều người dân. Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, thông tin theo thống kê trước đây, trên địa bàn xã có 232 hộ dân có nhà bị nứt, sập do sụt lún đất, nhiều công trình như trụ sở UBND xã, trường học, bưu điện, trạm y tế… bị hư hỏng.
Ngoài ra, tại các khu vực mỏ khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Chỉ riêng huyện Quỳ Hợp, theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 40 người tử vong liên quan tai nạn lao động, trong đó hơn 30 người chết liên quan đến mỏ đá, mỏ quặng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, khai thác khoáng sản đã và đang gây ra những hệ lụy. Vì vậy, để hạn chế những hậu quả do việc khai thác khoáng sản để lại, huyện đã thường xuyên lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Khai thác hơn 400 tấn đá thạch anh trái phép Ngày 22-2-2024, tại Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng kiểm tra ô tô đầu kéo do L.M.K (SN 1988; trú huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) điều khiển chở 83 tấn đá thạch anh không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Quá trình xác minh, lực lượng chức năng xác định số đá trên của đối tượng V.X.T (SN 1991; trú xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) mua của V.V.S (SN 1992; trú xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp), sau đó thuê K. vận chuyển đi tiêu thụ. Tiến hành kiểm tra tại khu vực tập kết đá của V.V.S tại bìa rừng thuộc xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, cơ quan công an phát hiện hơn 400 tấn đá thạch anh khai thác trái phép. Vụ việc đang được cơ quan công an xác minh, làm rõ. |
Bài và ảnh: Đức Ngọc – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Đồi núi ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bị đào xới tan hoang do khai thác khoáng sản
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/tan-thu-khoang-san-gay-he-luy-nang-ne-196240329181458141.htm