Gần 300 cơ sở, chủ yếu mọc tự phát trên đất ở, đất nông nghiệp dọc QL217, làng nghề chế tác đá Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Huyện Vĩnh Lộc được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều núi đá vôi và đây là lợi thế để phát triển nghề sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ. Năm 2013, làng nghề chế tác đá Làng Mai, xã Vĩnh Minh (nay là xã Minh Tân) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề. Đây là điều kiện thuận lợi để nghề sản xuất, chế tác đá tại xã Minh Tân nói riêng và huyện Vĩnh Lộc nói chung phát triển.
Nghề sản xuất và chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã và đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập khá, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, quá trình phát triển “nóng”, tự phát, thiếu quy hoạch, nghề sản xuất và chế tác đá ở Vĩnh Lộc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương.
Theo ghi nhận của PV, dọc Quốc lộ 217, đoạn qua xã Vĩnh Thịnh, Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc có hàng trằm cơ sở sản xuất và chế tác đá. Từ sáng sớm đến chiều tối, khi các cơ sở hoạt động, tiếng cưa xẻ đá, mài, tiếng đục đẽo… rền vang cả một vùng.
Nhà cửa, cây cối đều phủ một màu trắng bụi đá. Nước thải từ hoạt động sản xuất đá chảy tràn ra đường khiến trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa lầy lội. Người chạy xe máy, xe đạp khi qua đoạn đường này đều thấy ngộp thở vì bụi.
Bùn đá, một loại chất thải được lọc từ nước thải trong quá trình cưa xẻ đá chưa qua xử lý thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Ông Thắng, một người thường xuyên tham gia giao thông qua làng nghề chế tác đá Vĩnh Lộc cho biết, quốc lộ 217, đoạn qua làng nghề chế tác đá khá hẹp, lưu lượng phương tiện lớn. Trời nắng thì bụi đá bay mù mịt, trời mưa thì mặt đường đóng một lớp bùn màu trắng, ô nhiễm nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc cho biết, trên địa bàn xã có hơn 100 cơ sở sản xuất, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ đá nằm dọc Quốc lộ 217.
Theo lộ trình, khi cụm công nghiệp của huyện Vĩnh Lộc hoàn thành, sẽ di chuyển các cơ sở chế tác đá vào sản xuất tập trung, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Làng Mai trên địa xã đã được Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề có 19 hộ, chủ yếu sản xuất, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ đá như: Bàn ghế, bia mộ, đá ốp lát …
Từ đó, “làng nghề” ngày càng được mở rộng về số lượng và quy mô một cách tự phát và hiện toàn xã có 180 cơ sở sản xuất và chế tác các sản phẩm từ đá. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại “làng nghề” chế tác đá mỹ nghệ dọc QL 217 gần đây đã được hạn chế, khắc phục.
Ông Trịnh Tuấn Vũ, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Lộc cho biết, vừa qua, huyện đã đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ với tổng số vốn hơn 9 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động đã thu gom, xử lý nước thải từ hoạt động cưa xẻ đá trước khi xả ra môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ông Mai Xuân Tùng, Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Lộc cho biết, hàng năm huyện đều có văn bản chỉ đạo các xã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế tác đá. Đồng thời, đề nghị các xã cho các cơ sở sản xuất và chế tác đá ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo Người Đưa Tin
Xem bài viết gốc tại đây: