Thiếu nước sạch nhiều tháng, người dân mua nước đến 200.000 đồng/m3

Nước yếu, không đủ sinh hoạt nên người dân một số khu vực tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phải mua nước sạch với giá 150.000 – 200.000 đồng/m3.

Tình trạng thiếu nước sạch đang diễn ra tại một số xã và một phần thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua lại từ những hộ có nước hoặc là dùng nước giếng cho tất cả các nhu cầu ăn uống, tắm giặt.

Trưa 20-3, Di Linh nắng như đổ lửa. Từ mấy tháng qua, trời không mưa và nắng nóng dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Mở một vòi nước máy trước nhà, ông Mai Trọng Vụ (47 tuổi, Lê Lợi, thị trấn Di Linh) kể nếu để lâu mới mở thì nước ban đầu chảy bình thường nhưng chỉ 30 giây sau thì nước yếu dần rồi tắt hẳn. “Tích nước cũng không được bao nhiêu. Mở vòi dù nước không chạy nhưng có hơi ra thì đồng hồ nước vẫn quay “tít mù”, tháng rồi chúng tôi phải trả gần 150.000 đồng tiền nước” – ông Vụ than thở

“Nếu để lâu không mở van nước, khi mở lại thì nước chảy mạnh nhưng chỉ vài chục giây sau thì yếu và tắt hẳn” – anh Vụ cho biết.

Cách nhà ông Vụ không xa là quán cà phê võng lớn mặt tiền đường Lê Lợi, tấp nập khách nghỉ trưa. Khách đông nhưng bà chủ quán liên tục than vãn rằng thiếu nước sạch cả tháng nay. Để đủ nước buôn bán, chủ quán phải chấp nhận mua nước lẻ, do một xe bán tải chở đến bơm lên bồn với giá 150.00 – 200.000 đồng/m3 tùy thời điểm.

Anh Phong (người dân thị trấn Di Linh) chia sẻ nhiều ngày trước, vợ anh gặp tai nạn chấn thương, phải vào Trung tâm Y tế huyện Di Linh điều trị. Tại đây cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. May mắn nhà ở gần, trong thời gian nằm viện thì mọi việc vệ sinh, tắm rửa thì anh đưa vợ… về nhà, xong xuôi hết thì mới trở lại Trung tâm Y tế huyện. “Nhiều người nhà xa thì rất cực vì Trung tâm Y tế cũng thiếu nước” – anh Phong cho biết.

Một chủ quán cà phê tại khu vực Hai Cây Điệp (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) cũng than thở bị cúp nước gần một tháng nay nhưng không được Công ty Cổ phần Cấp nước và Xây dựng Di Linh (Diliwaco) thông báo. Để ăn uống, tắm rửa, giặt giũ lẫn bán quán thì người này đều phải nhờ vào nguồn nước giếng của các hộ dân bên cạnh dù không biết chất lượng nước thế nào.

Xác nhận với phóng viên, một lãnh đạo huyện Di Linh cho biết đã 3 lần làm việc với Diliwaco về việc bảo đảm cấp nước cho người dân, nhưng đến nay tình trạng vẫn không cải thiện, người dân vẫn phản ánh thiếu nước. Phía huyện đang đôn đốc Công ty Diliwaco hoàn thiện các hồ sơ, giấy phép các công trình giếng chưa đủ phép; kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định, tham mưu tỉnh cấp phép.

Trụ sở Công ty cổ phần cấp nước và Xây dựng Di Linh.

Theo thông tin của phóng viên, UBND huyện Di Linh đã có báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt tại địa phương thời gian qua.

Theo đó, UBND huyện Di Linh đã làm việc với Diliwaco và các đơn vị liên quan về tình trạng thiếu nước trên địa bàn huyện làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân. Đặc biệt thời gian gần đây, hầu hết trên địa bàn các xã Gung Ré, Đinh Lạc và thị trấn Di Linh đều rơi vào tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.

Người dân đã bày tỏ thái độ không đồng tình, bức xúc với việc điều phối, cung cấp nước của Diliwaco. Diliwaco có 13 giếng khoan nhưng chỉ đang vận hành 9 giếng, không đủ cung cấp cho người dân.

Về vấn đề này, UBND tỉnh chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đề nghị của UBND huyện Di Linh.

Trường Nguyên – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Ruộng vườn của người dân tại thị trấn Di Linh khô hạn thời gian qua.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thieu-nuoc-sach-nhieu-thang-nguoi-dan-mua-nuoc-den-200000-dong-m3-196240320172931646.htm