Nhiều đơn vị chủ rừng, tập thể và 90 cá nhân ở Đắk Lắk đã bị kiểm điểm, liên quan đến hơn 27.000 ha rừng tự nhiên bị suy giảm trong những năm qua.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về việc hơn 27.000 ha rừng tự nhiên bị suy giảm từ 2017-2020 (theo kết luận của Thanh tra Chính phủ).
Theo đó Sở này đã tổ chức kiểm điểm các tổ chức cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ rừng để diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm trong những năm qua; Rà soát diện tích bị suy giảm, lý do, nguyên nhân, đơn vị chịu trách nhiệm việc để suy giảm, mất rừng tự nhiên.
Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của Sở NN&PTNT cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tổ chức rà soát và kiểm điểm đối với cá nhân, tập thể gồm 7 đơn vị chủ rừng là Vườn Quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và Trung tâm bảo tồn Voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng; 10 tập thể và 90 cá nhân thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã xác định và đề xuất UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm các tổ chức cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ rừng để diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm thuộc trách nhiệm của các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện các đơn vị chủ rừng không trực thuộc sở.
Qua rà soát của các chủ rừng, UBND các huyện, nguyên nhân rừng tự nhiên suy giảm do: Chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định (11,7 ha); Cháy rừng (20,5 ha); Phá rừng (hơn 2816 ha); Diện tích chỉnh sửa dữ liệu (hơn 8.388 ha, từ rừng tự nhiên chuyển sang rừng trồng, đất chưa có rừng); Diện tích rừng nghèo kiệt giảm trữ lượng rừng không còn đủ tiêu chí là rừng (hơn 16.233 ha).
Về nguyên nhân rừng bị suy giảm, trước đó Kết luận thanh tra Chính phủ nêu rõ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tổ chức Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, tuy nhiên hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chính do vướng mắc về cơ chế, chính sách, chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và giải quyết các vấn đề dân sinh kinh tế, xã hội liên quan đến rừng, đất rừng. Ngoài ra, các nguyên nhân chủ quan do chủ rừng một số nơi có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm, UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra trước hết thuộc về chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các tổ chức có quản lý, sử dụng rừng và trách nhiệm về mặt tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan tham mưu theo quy định của pháp luật.
Như Tiền Phong đưa tin, liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đưa 4 vụ việc phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo: Vụ án vi phạm quy định về bảo vệ rừng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar; hai vụ án phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô; Vụ việc có dấu hiệu tội phạm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng suy giảm rừng tại 4 Cty TNHH MTV lâm nghiệp (Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ea H’Ma, Ya Lốp). |
Huỳnh Thủy – Báo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
Ảnh: Một góc rừng sản xuất tại huyện Lắk (Đắk Lắk) bị phá, lấn chiếm
Xem bài viết gốc tại đây: