Đâu chỉ là vi phạm xây dựng!

Để ‘lọt’ những công trình sai phép, không phép cho thấy khiếm khuyết không nằm ở chính sách mà ở con người, cụ thể là những người được trao quyền đã không hoàn thành nhiệm vụ

Biệt thự được cho là đẹp nhất Cà Mau nhưng vi phạm xây dựng, sau quá trình xử lý thì cuối cùng vẫn được tồn tại theo quyết định mới nhất của UBND TP Cà Mau.

Tòa nhà CLB Golf trong sân golf tại Đồi Cù (TP Đà Lạt) xây dựng sai phép, không phép trên diện tích khá lớn bị lập biên bản xử phạt và yêu cầu trả lại hiện trạng nhưng nhùng nhằng mãi đến hôm nay.

Xử phạt rồi… cho tồn tại

Đây chỉ là 2 trong số nhiều công trình vi phạm xây dựng. Hầu hết là những công trình có quy mô lớn, vi phạm hẳn có tính toán từ trước. Tòa nhà cao mấy tầng đòi hỏi móng cọc phải kiên cố bảo đảm an toàn chịu lực, có bản vẽ thiết kế làm căn cứ thi công, tập trung máy móc, vật liệu… Những người có trách nhiệm đang ở đâu mà không kịp phát hiện để chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn từ đầu?

Công trình xây dựng vi phạm nếu được trót lọt cũng tiềm ẩn rủi ro, lắm khi để lại hậu quả lớn khó có thể khắc phục. Như vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, nếu từ đầu tháo dỡ phần vi phạm, không cho tồn tại kéo dài, thì số người cư trú trong đó sẽ giảm, cũng đồng nghĩa không tổn thất nhân mạng nhiều đến vậy.

Tình trạng vi phạm xây dựng phần lớn bị phát hiện là nhờ người dân tố giác, báo chí phản ánh. Sao không phải từ chính quyền địa phương, cán bộ địa chính, quản lý đô thị, thanh tra xây dựng?

Nhiều công trình xây dựng vi phạm kéo dài đến khi hoàn thành, khai thác sử dụng. Không ít trường hợp cách thức xử lý chỉ cương quyết trên giấy tờ, bằng những văn bản đề nghị tháo dỡ. Không thực hiện hoặc để kéo dài thì sau đó phạt hành chính rồi cho tồn tại.

Việc này chẳng khác gì dùng tiền hợp thức hóa, khuyến khích tiêu cực, tạo thêm tiền lệ xấu trong xã hội. Trong khi theo quy định pháp luật xử lý vi phạm xây dựng, ngoài hình thức xử phạt hành chính thì phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng. Không có quy định nào xử phạt rồi cho tồn tại.

Xử lý nghiêm minh, nhất quán

Pháp luật về quy hoạch, xây dựng nước ta khá chặt chẽ còn nhằm hướng đến môi trường cạnh tranh công bằng trong đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế. Nếu cấp quản lý, thừa hành thực thi bỏ qua cho những nhà đầu tư vi phạm vượt sự cho phép thì liệu có phù hợp? Để lọt những công trình sai phép, không phép cũng cho thấy khiếm khuyết không nằm ở chính sách mà ở con người, cụ thể là những người được trao quyền đã không hoàn thành nhiệm vụ. Vì đã là cán bộ, công chức từ trên xuống dưới đều phải làm theo công vụ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nói: “Người dân bây giờ đụng chuyện là nghĩ ngay đến việc mình có quen với ai không. Tư duy đó là chết rồi, nó phản ánh tiêu cực xã hội. Lẽ ra dân khó là phải nghĩ ngay đến chính quyền, nghĩ ngay đến ủy ban, đến pháp luật. Đấy mới là tư duy lành mạnh. Và chúng ta cần hướng tới điều này”. Câu nói này rất đáng suy ngẫm. Ngay cả một bộ phận không nhỏ cán bộ cũng hành xử theo kiểu “nhất quen, nhì quyền” càng khiến cho nhận thức về quan hệ giữa người dân với chính quyền trở nên méo mó.

Điều này làm phát sinh các tiêu cực mà trước đây không có hoặc nếu có cũng không tới mức nghiêm trọng, như: bệnh thành tích, gian dối, bất chấp vi phạm pháp luật ở một số người nắm giữ quyền lực và biến chất ở bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức.

Gốc rễ trong vi phạm xây dựng suy cho cùng mục đích hoàn thành công trình và tìm cách được tồn tại, sử dụng, khai thác, hoạt động bình thường, hợp thức hóa thủ tục pháp lý. Một khi các mục đích này không đạt được, hẳn không ai dám vi phạm và làm liều làm ẩu.

Nếu vẫn còn cách thức xử lý phạt rồi cho tồn tại thì công việc rà soát, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về trật tự xây dựng cũng chỉ như tác động vào không khí.

Nhất quán xử lý nghiêm các công trình xây dựng vi phạm dù lớn, nhỏ cũng phải tháo dỡ trả lại nguyên trạng. Minh bạch thông tin trong quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng buộc phải đưa lên trang thông tin điện tử chính quyền địa phương để ai cũng có thể theo dõi và kiểm tra chéo. Cần có thêm cơ chế kiểm soát quyền lực bằng cách trao quyền cho người dân, báo chí không chỉ dừng lại ở phản ánh mà còn được giám sát xử lý sai phạm và bỏ phiếu cho quá trình đó.

Hãy xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền lực dung túng, thỏa hiệp, ngầm chống lưng cho các sai phạm. Các đối tượng đã nhúng chàm hoặc đang manh nha nhìn vào đó sẽ sợ, không dám hoặc có muốn cũng không thể. Người dân nhìn vào đó củng cố niềm tin, loại bỏ dần cái xấu. Điều này còn là giải pháp thiết thực xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật cho cả xã hội, từ đó tác động ngược trở lại cách hành xử dựa vào pháp luật khi đụng chuyện chứ không phải nghĩ đến việc mình quen với ai không.

Trần Văn Tường – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Dự án tòa nhà CLB Golf trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt. Ảnh: Trường Nguyên

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/dau-chi-la-vi-pham-xay-dung-196240201203649149.htm