Sáng ngày 26 tháng 01 năm 2024, Hội Hỗ trợ Phát triển kinh tế miền núi Việt Nam (Vameda) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tới tham dự có ông Hà Quang Dự, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao; GS. TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội; Bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc.
Cùng tham dự có các ông, bà uỷ viên Ban Thường vụ, uỷ viên Ban Chấp hành Hội, Chi bộ cơ quan Vameda.
Hội nghị đã nghe bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Chánh Văn phòng Hội trình bày báo cáo tổng kết về hoạt động năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Hội.
Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam được thành lập từ ngày 8 tháng 9 năm 2013 do Bộ Nội vụ ký quyết định thành lập. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ.
Từ ngày thành lập đến nay, các hoạt động của Hội theo tôn chỉ mục đích, nguyên tắc, quyền hạn và nhiệm vụ quy định tại Điều lệ Hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phê duyệt; góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi trong tổng thể gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều bền vững; đa dạng hoá các hình thức hoạt động bằng các dự án tư vấn, đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất-kinh doanh, chuyển giao ứng dụng công nghệ số, tổ chức hội thảo, nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù, tham gia phản biện xã hội và các hoạt động từ thiện, tổ chức sự kiện vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển vùng DTTS&MN, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giới thiệu các mô hình kinh tế hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, du lịch cộng đồng…
Hiện nay, Hội có 229 Hội viên chính thức (77 Hội viên tổ chức, 142 Hội viên cá nhân và 9 Hội viên danh dự, trong đó có 3 Giáo sư, Phó Giáo sư, 13 Tiến sĩ, 17 Thạc sĩ, hơn 96% Hội viên có trình độ đại học và trên đại học, 32 cán bộ cấp Vụ, 9 cán bộ cấp Thứ trưởng và tương đương, 23 doanh nhân là chủ doanh nghiệp, nhiều Hội viên đã và đang tham gia các Hội, Tổ chức đoàn thể xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau).
TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Ban Thường vụ Hội gồm 10 đồng chí, Ban Chấp hành gồm 26 đồng chí, Ban Kiểm tra gồm 3 đồng chí. Hội có Hội đồng cố vấn gồm 9 đồng chí. Hội có Chi bộ Đảng trực thuộc Đảng uỷ khối Quận Ba Đình, Đảng bộ Quận Ba Đình. Chi bộ hiện có 5 Đảng viên đang sinh hoạt. Bí thư Chi bộ là TS. Lò Giàng Páo.
Các đơn vị chuyên môn gồm: Văn phòng Hội, Ban Công tác Hội viên, Ban Truyền thông và tổ chức sự kiện, Ban Kinh tế-tài chính, Ban Đào tạo – dạy nghề, Ban Pháp chế-chính và Ban Hợp tác quốc tế.
Các đơn vị trực thuộc gồm: Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tầng 9, Tòa nhà số 1196, đường 3/2, Phường 8, Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh), Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội miền núi Việt Nam.
Ngoài ra, Hội còn thành lập Hội đồng Khoa học – Công nghệ là tổ chức tư vấn cho Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội về công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ của Hội.
TS Lò Giàng Páo – Uỷ viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội, Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra của Hội; Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế – xã hội miền núi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo đã nêu bật các nội dung hoạt động của Hội trong năm 2023. Theo đó, Hội đã thành lập hai đơn vị trực thuộc là Cơ quan đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – xã hội miền núi Việt Nam. Đây là hai đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế đã được Ban Thường vụ Hội phê duyệt, có con dấu, tài khoản riêng, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2023, Hội đã kiện toàn về công tác nhân sự, bổ sung TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam vào Ban Thường vụ Hội khoá II, nhiệm kỳ 2021-2026 và TS. Lò Giàng Páo, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội, Bí thư Chi bộ cơ quan Hội giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội khoá II, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng với đó, Ban Chấp hành Hội đã chỉ đạo Ban Công tác Hội viên chủ động rà soát danh sách Hội viên tập thể, Hội viên cá nhân. Trên cơ sở danh sách thực tế, Hội đã cấp giấy chứng nhận cho các Hội viên tập thể và xoá tên uỷ viên Ban chấp hành Hội đối với một trường hợp vì đã không tham dự Hội nghị Ban chấp hành Hội liên tiếp trong nhiệm kỳ, không đóng Hội phí và không tham gia các hoạt động của Hội.
Năm 2023 là năm đánh dấu sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập Hội. Đây là sự kiện đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của Hội, ghi nhận và đánh giá những công việc đã làm được trong 10 năm và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ mới trong thời gian tiếp theo.
Ngày 08/12/2023, Hội đã phối hợp cùng với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn VRISEM tổ chức Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”.
Tham dự Hội thảo có ông Y Thông – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ; Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ; Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Uỷ ban Dân tộc; Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Vũ Đăng Minh, Trưởng Ban tôn giáo; Ông Nguyễn Minh Quang, Phó trưởng ban Dân tộc, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Các chuyên gia, nhà Khoa học: TS. Lê Đăng Doanh; GS.TS Lê Thị Hợp; GS.TS Trần Đức Hạ; TS. Trần Quý; TS. Nguyễn Nhật Hải; Đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành Trung ương; Uỷ ban nhân dân, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn… các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; Đại diện Tổ chức Apheda (Úc); Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Việc tổ chức Hội thảo cũng góp phần triển khai Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội thảo, đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành đã tập trung vào một số vấn đề nội dung vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ: Liên kết phát triển vùng trong quy hoạch phát triển vùng; kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng và gợi mở cho vùng; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng; phát triển các hành lang kinh tế nhằm thúc đẩy liên kết vùng; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện liên kết vùng và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội…
Bên cạnh đó, Hội đã cùng với Cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với tổ chức IKC Construcsion kết nối, huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư và tài trợ cho các chương trình phát triển kinh tế, xã hội miền núi; Hội đã làm việc với đại diện Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) về Dự án Phòng ngừa, chống tái nghiện ma tuý cho người sau cai tại địa bàn một số tỉnh khu vực miền núi. Dự án đề cập đến sự cần thiết nâng cao chất lượng và phát triển dịch vụ sau cai nghiện ma tuý cho người nghiện đã cai nghiện, phục hồi tại các địa phương được lựa chọn ở Việt Nam. Dự án bao gồm các hoạt động hỗ trợ hoạt động của các Câu lạc bộ sau cai nghiện của người nghiện ma tuý tại cộng đồng và công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ chống tái nghiện cho các cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp cũng như các cộng tác viên, tình nguyện viên và các thành viên sau cai nghiện sinh hoạt trong các Câu lạc bộ tại cộng đồng.
Tại Hội nghị, các Đại biểu đã tiến hành trao đổi, thảo luận, bổ sung bản Dự thảo Báo cáo. Qua đó, các Đại biểu đều đánh giá cao các hoạt động của Hội trong thời gian qua, đặc biệt là từ sau Đại hội II (nhiệm kỳ 2021-2026).
Đại hội đã lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về các định hướng phát triển cho Hội trong thời gian tới.
Các Đại biểu tham gia thảo luận tích cực tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Chí Trung, Vụ phó Vụ Chính sách Dân tộc – Uỷ ban Dân tộc cho rằng, Hội cần phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của Hội để từ đó xây dựng được các chương trình hoạt động phù hợp hơn, tương xứng với nguồn lực của Hội. Cần tiếp tục mở rộng các tổ chức mới trực thuộc Hội và có sự phối kết hợp có hiệu quả giữa Uỷ ban Dân tộc và Hội trong tương lai.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội Bế Trường Thành đã tổng kết các ý kiến đóng góp của các Đại biểu tham dự Hội nghị và thống nhất với các nhiệm vụ, phương hướng hoạt động trong năm 2024.
Cần tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các chức danh trong Ban thường vụ; Đôn đốc, xúc tiến thành lập một số đơn vị trực thuộc: Quỹ Hỗ trợ phát triển miền núi Việt Nam; Trung tâm Tư vấn và xây dựng mô hình kinh doanh, Trung tâm Công nghệ năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường… ; Triển khai việc thành lập Chi hội trực thuộc tại địa phương và các tỉnh miền núi; Phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức Giải thưởng tôn vinh các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học có những nghiên cứu và đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển Kinh tế miền núi.
Đặc biệt, có kế hoạch tiếp tục phối kết hợp với Uỷ ban Dân tộc để đưa các hoạt động của Hội một cách có hiệu quả và công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN, tham gia tích cực Chương trình Phối hợp theo chỉ đạo và quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc của UBDT.
Ánh Hồng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Các Đại biểu tham dự Hội nghị