Ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài đến khi nào?

Các chuyên gia môi trường đánh giá thời tiết Hà Nội những ngày gần đây trời quang mây, không có gió, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là điều kiện thuận lợi để ô nhiễm không khí gia tăng.

Vì sao mùa đông là mùa ô nhiễm không khí?

Nhiều ngày nay, Hà Nội và các tỉnh lân cận hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Đến sáng 29/12, nhiều khu vực vẫn nằm trong ngưỡng ô nhiễm không khí ở mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Một số điểm có chỉ số ô nhiễm không khí AIQ cao ở Hà Nội sáng nay có thể kể đến là Chùa Láng (Đống Đa) có AQI là 315, phố Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm) là 323, khu Trâu Quỳ (Gia Lâm) có mức AQI cao nhất gần vượt khung là 443…

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 29/12, miền Bắc tiếp tục nắng ấm. Hiện tượng sương mù vẫn tiếp diễn vào sáng sớm, độ ẩm tăng khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, người dân trải qua ngày thứ 3 của đợt ô nhiễm không khí mới. Chỉ số AQI trong những giờ tới tiếp tục ở ngưỡng cao, có nơi trên 200 đơn vị, ngưỡng rất có hại cho cơ thể con người. Trạng thái này có thể kéo dài liên tục từ nay đến khoảng ngày 2/1/2024. Người dân miền Bắc đón Tết Dương lịch với thời tiết thuận lợi, nắng ráo, chỉ rét về đêm và sáng sớm. Khoảng ngày 3-4/1/2024, một đợt không khí lạnh yếu có thể tác động gây giảm nhiệt nhẹ cho khu vực. Lúc này, chất lượng không khí mới có khả năng được cải thiện.

Các chuyên gia môi trường đánh giá thời tiết Hà Nội những ngày gần đây trời quang mây, không có gió, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là điều kiện thuận lợi để ô nhiễm không khí gia tăng.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải: Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít, vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên, đây là hiện tượng phân tầng ổn định, nó làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.

Vào mùa hè, mưa nhiều gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi. Đặc biệt, những ngày xảy ra nghịch nhiệt, sương mù xuất hiện thì không khí ô nhiễm nặng do khói bụi không phát tán được.

Nếu phân bố nhiệt độ theo quy luật thông thường thì không khí ở mặt đất dễ dàng bốc lên cao mang theo các chất ô nhiễm, phân tử khí. Cùng một lượng chất ô nhiễm sẽ được trải đều trên một lớp không khí dày thì nồng độ ô nhiễm giảm đi. Thế nhưng khi xảy ra nghịch nhiệt, lượng chất ô nhiễm đó bị nén lại làm nồng độ ô nhiễm đậm đặc hơn.

Những khung giờ không nên hoạt động ngoài trời khi ô nhiễm không khí

Mùa cao điểm ô nhiễm không khí ở Hà Nội và khu vực miền Bắc sẽ còn kéo dài liên tục 3 tháng chính đông là tháng 12, tháng 1 và tháng 2. Khi thời tiết dần chuyển sang hè thì tình trạng này mới chấm dứt.

Để ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm Môi trường (Bộ tài nguyên và Môi trường) yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên tục, không bị gián đoạn; thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

PGS.TS Vũ Thành Ca cho biết thêm, trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhiều người cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt qua các khảo sát tại các bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân tới khám liên quan tới bệnh hô hấp rất nhiều nên trước hết, người dân phải tự bảo vệ mình, phải theo dõi thường xuyên các trang web hoặc các app có chỉ số AQI để biết mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực mình ở để chủ động phòng ngừa.

“Khi không khí ô nhiễm, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường. Nếu phải ra đường thì nên sử dụng khẩu trang loại chống được bụi mịn PM 2.5, trong nhà đóng cửa, ra ngoài đường về cũng phải rửa mắt rửa, rửa mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, TS Vũ Thanh Ca khuyến cáo.

Chỉ số đo chất lượng không khí ở Việt Nam được chia làm 6 cấp. Trong đó ngưỡng đỏ với chỉ số AQI từ 151-200 là ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người, khuyến cáo tất cả mọi người bắt đầu chịu tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí. Ngưỡng tím với chỉ số AQI từ 201-300 là ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài. Ngưỡng nguy hiểm nhất là ngưỡng nâu với khuyến cáo tất cả mọi người có thể bị tác động sức khỏe nghiêm trọng, nên ở trong nhà với chỉ số AQI trên 300.

Tô Hội – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc còn kéo dài.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-keo-dai-den-khi-nao-169231229093618788.htm