Hà Nội đã có những thất bại trong cải tạo, xây dựng lại chợ, tiêu biểu là 5 chợ truyền thống biến thành Trung tâm thương mại. Do đó, việc cải tạo chợ phải đi cùng với các chính sách thu hút tốt. Đây được coi là mũi tên trúng hai đích, vừa phát triển chợ dân sinh sau cải tạo, vừa xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm.
UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2024. Dự kiến, Hà Nội sẽ xây mới 36 chợ, cải tạo 76 chợ.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2024, 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định phê duyệt giá mới của UBND thành phố; 100% các chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng… theo các quy định hiện hành. 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố.
Chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa) là một trong những chợ được dự kiến xây mới trong năm 2024, hiện đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, bên trong chợ gần như không có hoạt động buôn bán. Các sạp bán hàng bày dọc ngõ Chợ Khâm Thiên kéo dài cả trăm mét. Theo bà Liên (chủ sạp rau), chợ ở đây bán cả ngày, tất cả đều bán vỉa hè dọc ngõ, có người thuê nhà dân để làm sạp. “Xây dựng lại chợ bà con cũng không vào vì người dân có thói quen dừng xe mua ngay trên đường chứ không ai gửi xe vào chợ buôn bán”, bà Liên nói.
Bên trong chợ Khâm Thiên ế ẩm, trong khi chợ cóc bên ngoài tấp nập người mua bán
Tương tự tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), chợ đã xuống cấp qua thời gian. Một số hộ bên trong chợ kinh doanh bị che kín bởi loạt sạp bán hàng bên ngoài.
Cũng chung cảnh, chợ Mơ truyền thống vốn là nơi buôn bán sầm uất của Hà Nội, sau khi bị phá đi để xây thành trung tâm thương mại, chợ vẫn hoạt động trở lại dưới hầm từ năm 2014. Song trái với cảnh đông đúc khi xưa, việc kinh doanh ở chợ Mơ giờ đây ngày càng hắt hiu. Có dãy ki ốt chỉ có một nhà mở cửa. Được biết, mỗi ki ốt ở đây được cho thuê với giá 1 triệu đồng/tháng tuy nhiên nhiều tiểu thương vẫn bỏ đi vì quá vắng khách.
Gắn với chuyển đổi mô hình
Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, theo kế hoạch quận có 3 chợ xây dựng mới là chợ Khâm Thiên, chợ Kim Liên và chợ Ngã Tư Sở. Ngoài chợ Ngã Tư Sở là chợ loại 1 phải chờ Nghị định mới của Chính phủ về Quản lý và phát triển chợ, 2 chợ còn lại đang trong giai đoạn lấy ý kiến của tiểu thương. Qua ý kiến ban đầu, nhiều tiểu thương tại chợ Khâm Thiên không đồng ý cải tạo chợ bởi lo ngại ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Về lo ngại của người dân, vị đại diện cho rằng: Cùng với xây dựng chợ phải quản lý tốt mới thu hút được người mua, người bán. Đơn cử như chợ Thái Hà, sau khi cải tạo lại thu hút rất đông người dân đến mua bán. Ban quản lý chợ làm việc hiệu quả, khi vào chợ lúc nào cũng sạch sẽ, không có mùi.
Chợ Mơ từ khi được xây mới thành trung tâm thương mại, kinh doanh của các chủ ki ốt ế ẩm
Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cho biết, địa bàn xã có Triều Khúc đang trong kế hoạch xây dựng mới, dùng nguồn xã hội hóa. Theo ông Lăng, hiện nay chợ Triều Khúc đang là chợ tạm với hơn 200 hộ kinh doanh đăng ký và khá sôi động do nằm ngay mặt đường lớn. Sau khi cải tạo, ban quản lý chợ sẽ thay đổi theo mô hình doanh nghiệp (hiện Trưởng ban quản lý chợ đang làm lãnh đạo xã – PV). “Chúng tôi đã có phương án ưu tiên cho bà con đang kinh doanh tại chợ, đồng thời kiểm tra hoạt động mô hình ban quản lý để đảm bảo hiệu quả khi chợ chính thức hoạt động”, ông Lăng nói.
Theo báo cáo tiến độ các dự án chợ đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022-2025 gửi Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, đã có 19 đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ năm 2023 với tổng số 48 dự án chợ xây mới, xây lại và 57 chợ cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Chợ thì đang giải phóng mặt bằng, chợ thì đang chờ hướng dẫn về thủ tục giao đất cho thuê đất, chợ đang vướng mắc về xác định khoản chậm nộp ngân sách, chợ thì đang điều chỉnh chủ trương đầu tư…
Đừng chỉ “xây vỏ bỏ ruột”
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: Chợ truyền thống có những ưu thế là tiện lợi cho người mua, giá cả phải chăng và phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt. Chợ dân sinh là nhu cầu tất yếu của mọi người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp – trung bình. Ông này nêu ví dụ: Ngay sáng nay tôi khảo sát, giá thịt thăn ở chợ Vĩnh Hồ đang là 120.000 đồng/kg, trong khi siêu thị bán thịt vai 190.000 đồng/kg, ba rọi 215.000 đồng/kg.
Ông Phú cho rằng: Hà Nội đã có những thất bại trong cải tạo, xây dựng lại chợ, tiêu biểu là 5 chợ truyền thống biến thành Trung tâm thương mại. “Ở trên họ bán sản phẩm xa xỉ, đẩy bà con buôn bán xuống tầng hầm. Giá thuê cao đến gần 1 tỷ/kiốt bà con làm gì có tiền để trả. Chưa kể, quản lý trong và ngoài chợ không công bằng. Trong chợ thì như vậy, ngoài chợ thì chợ cóc vẫn bán, không mất phí, không phải gửi xe. Như vậy không ai cạnh tranh được”, vị chuyên gia nói.
Nhìn chung, cải tạo chợ dân sinh là rất cần thiết, trước khi quy hoạch, xây mới, cải tạo hay chuyển đổi công năng đều cần phải cân nhắc, suy xét thấu đáo. Quan trọng hơn, phải công khai lấy ý kiến người dân từ thiết kế, quy mô, giá cả thuê ki ốt, quy chế quản lý để người dân biết và tham gia cùng.
Phải tổ chức hậu cần chợ thật tốt, xử lý các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý rác, bố trí các sạp rau, phản thịt tiêu chuẩn. Cùng với các chính sách thu hút tốt, chợ xây mới không chỉ giúp bà con kinh doanh trong chợ yên tâm mà còn thu hút được bên ngoài vào kinh doanh trong chợ. Đây là mũi tên trúng hai đích, vừa phát triển chợ dân sinh sau cải tạo, vừa xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. “Phải có cuộc cách mạng về chợ, không chỉ xây vỏ bỏ ruột”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Trần Hoàng – Báo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
Ảnh: Nhiều năm chợ Ngã Tư Sở xuống cấp nhưng không được cải tạo
Xem bài viết gốc tại đây:
https://tienphong.vn/lo-ngai-xay-vo-bo-ruot-khi-cai-tao-xay-moi-cho-dan-sinh-post1599780.tpo