Theo chuyên gia, thu phí vỉa hè ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ đem về cho ngân sách một khoản tiền đáng kể, song mục tiêu cao hơn là lập lại trật tự, quản lý vỉa hè, công khai minh bạch, tránh trục lợi.
Mục đích thu phí không chỉ để thu tiền
Chỉ còn vài ngày nữa, kể từ 1/1/2024, TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè với mục tiêu giúp công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè quy củ, nề nếp hơn, đồng thời có được nguồn thu để duy tu, bảo trì hạ tầng… Các tuyến phố có vỉa hè đáp ứng được cả yêu cầu về kinh doanh buôn bán cũng như hoạt động đi lại của người dân sẽ được cho đăng ký đóng phí sử dụng.
Trước đó, từ năm 2022 thủ đô Hà Nội cũng đã tổ chức thí điểm thu phí vỉa hè tại một số tuyến phố có vỉa hè rộng của quận Hoàn Kiếm, như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo….
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh niên -Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cho rằng, không thể có cách nào hoàn hảo để quản lý vỉa hè. Cấm kinh doanh vỉa hè không ổn, nhưng cho kinh doanh thì phải quản lý. Vỉa hè không phải của gia đình nào mà là nơi để người dân đi bộ.
Việc thu phí công khai là rất quan trọng để minh bạch quản lý vỉa hè. Khi cho thuê, sẽ phải có hợp đồng giữa người thuê và người cho thuê, được phép bày bán diện tích bao nhiêu % của vỉa hè chứ không có nghĩa thuê rồi thì bày bán chật cứng vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ. Trường hợp vi phạm hợp đồng sẽ bị xử phạt hoặc cấm kinh doanh trên vỉa hè vĩnh viễn.
“Theo tôi, thu phí không phải để lấy tiền. Thu phí để vỉa hè thông thoáng hơn, quản lý bài bản hơn. Để cho thuê kinh doanh vỉa hè không biến tướng thành lợi ích nhóm thì phải quản lý bằng cách công khai. Tất cả các thông tin công khai sẽ tránh được trục lợi”, ông Nguyễn Viết Chức nói.
Theo chuyên gia, vấn đề ở đây là chủ trương phù hợp nhưng tổ chức thực hiện cho thuê thế nào, mức thu, minh bạch nguồn thu và có đảm bảo giám sát người thuê tuân thủ quy định hay không. Tất cả đều rất cần quy định chặt chẽ về thực hiện và giám sát, không để kẽ hở phát sinh tiêu cực. Để tránh trục lợi, mức giá cho thuê vỉa hè cần được đấu thầu công khai, minh bạch, quản lý bằng số hóa và mọi người có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng. Nguồn thu từ phí vỉa hè cũng phải được quản lý chặt chẽ, chi dùng hợp lý cho việc tôn tạo lại lòng đường, vỉa hè.
Cần tiêu chí để phân loại vỉa hè
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận định, vỉa hè cần được quản lý chặt chẽ bởi chúng gắn với kiến trúc không gian hai bên, là đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị.
“Từ 2015 đến nay, Thành phố Hà Nội đã 4 lần ra quân để dẹp vỉa hè, lòng đường. Hà Nội đã thí điểm đề án trên ở một số nơi tại quận Hoàn Kiếm, tiêu biểu là phố Lý Thường Kiệt. Cần làm thế nào để đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè mới là điều quan trọng” – ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông Nghiêm, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất, trong đó có đất công cộng, đất vỉa hè và đất của những người là chủ sở hữu các ngôi nhà liền kề vỉa hè. Vì vậy, cho thuê lòng đường, hè phố là một giải pháp đề xuất nhưng cần phải nghiên cứu những quy định của Luật Đất đai (sửa đổi).
Hiện nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào để phân loại vỉa hè theo từng tiêu chí riêng, tất cả chỉ mới là cảm nhận ban đầu. Về lâu dài, phải có cái nhìn tổng thể, phân loại vỉa hè và xác định chức năng của từng tuyến phố.
“Cơ quan triển khai đề án cần thực hiện theo ý dân chứ không được tự quyết. Bởi đề án cho thuê lòng đường, hè phố có thể giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên về đất đai, tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, điểm bất lợi đó là không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở từng khu vực mà còn tăng thêm áp lực về mặt giao thông” – ông Nghiêm chia sẻ.
Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn 1 cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả các ngày trong tuần.
Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung thêm một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.
Tô Hội – Báo SK&ĐS
Theo Sức khỏe & Đời sống
Ảnh: Cần thực hiện cho thuê vỉa hè với mức giá công khai, minh bạch.
Xem bài viết gốc tại đây: