Công ty thủy điện của Trung Nam Group được mua điện giá vượt trần, bất tuân Luật Điện lực

Đối với việc mua bán điện tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, theo kết luận thanh tra, Công ty Mua bán điện và Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam đã ký kết mua bán điện với giá tạm tính là 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ra thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch VII điều chỉnh. Trong đó, chỉ rõ Bộ Công Thương đã chấp thuận giá tạm thanh toán cho nhà đầu tư vượt quy định.

Bất tuân Luật Điện lực, Bộ Công Thương mua điện từ Công ty thủy điện của Trung Nam Group giá vượt trần

Cụ thể, đối với việc mua bán điện tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, theo thông báo kết luận thanh tra, ngày 9/5/2014, Công ty Mua bán điện và Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam đã ký hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính là 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013.

Mặc dù sau đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất thanh toán theo mức giá trần của từng năm, nhưng Bộ Công Thương đã chấp thuận giá tạm thanh toán vượt quy định. TTCP đánh giá, việc làm này không tuân theo Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP.

Đáng chú ý, sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 23 Thông tư số 56 ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương.

Theo TTCP , EVN và Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt Hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định.

Từ đó, TTCP kết luận, việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy, do đó giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý; nguyên nhân, lý do dẫn đến giá mua bán điện vượt khung quy định cần phải được Bộ Công Thương, EVN kiểm tra, xem xét để giá mua bán điện đảm bảo căn cứ, chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật

TTCP nhấn mạnh, chính những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã dẫn đến, việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện. Trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.

Tương tự tại Nhà máy thủy điện Sông Bung 4, Công ty Mua bán điện và Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ ký kết hợp đồng và tạm thanh toán với giá 1.271,84 đồng/kWh, tức vượt khung giá năm 2015 (1.060 đồng/kWh) cũng được xác định chưa đúng quy định.

Với vụ việc này, Cục Điều tiết điện lực cũng chưa kiểm tra hợp đồng, báo cáo bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định. Vụ việc này diễn ra từ năm 2013 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Đến ngày 15/7, EVN và Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 05 hợp đồng mua bán điện, trong đó giá điện chính thức 1.110 đồng/kWh, bằng giá trần khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện năm 2019.

Trên cơ sở đó, TTCP đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN làm việc với Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2.

Các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Cục Điều tiết điện lực và bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; xem xét, chỉ đạo EVN xác định lãi trên số tiền đã tạm thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công Thương phê duyệt đối với Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và Nhà máy thủy điện Sông Bung 4A.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thực hiện đàm phán lại giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Dự án thủy điện Đồng Nai 2 được khởi công từ ngày 30/12/2007, do Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, tổng công suất lắp máy 70MW (gồm 2 tổ máy 2x35MW), được xây dựng trên sông Đa Dâng, thượng nguồn sông Đồng Nai. Đây là bậc thang thứ ba trong quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch VI).

Trung Nam Group – lãi giảm sâu, chậm thanh toán trái phiếu, công ty con bị cưỡng chế thuế

Về đơn vị chủ đầu tư của dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Trung Nam Group.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, Trung Nam Group công bố việc chậm thanh toán lãi đối với lô trái phiếu có mã TNGCB2124001 với số tiền lãi chậm thanh toán là 106,9 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết, thay vì kỳ trả lãi ngày 23/11/2023, thời gian dự kiến sẽ lùi xuống ngày cuối năm 2023 (31/12).

Lô trái phiếu trên của Trung Nam Group được phát hành vào ngày 18/5/2021, đáo hạn vào ngày 18/5/2024 với tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng. Lãi suất cho năm đầu tiên cố định ở mức 9,5%/năm, từ năm thứ hai trở đi sẽ áp dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 3,5%/năm.

Mục đích phát hành của lô trái phiếu là nhằm tăng quy mô vốn hoạt động cho Trung Nam Group để đầu tư, triển khai các dự án năng lượng tái tạo của Tập đoàn, và/hoặc các mục đích kinh doanh khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Dữ liệu trên HNX cho thấy, hai năm 2021-2022, Trung Nam Group đã phát hành 7 lô trái phiếu với tổng trị giá 5.830 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp này đã tất toán 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.730 tỷ đồng và vẫn còn 3 lô trái phiếu sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2024 là lô TNGCB2224003 và lô TNGCB2124001 cùng có giá trị 2.000 tỷ đồng, còn lô TNGCH2224005 có giá trị 100 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004, đặt trụ sở chính tại Hà Nội, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Đến nay, doanh nghiệp này đã phát triển thành Tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm: năng lượng, hạ tầng – xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, Trung Nam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.

Tổng tài sản của Trung Nam Group tại ngày 31/12/2022 đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu không biến động nhiều so với đầu năm, đạt mức 27.914 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng giá trị nợ phải trả ở mức 68.110 tỷ đồng, tăng 5,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2022 là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ.

Theo thống kê, tính đến nay, Trung Nam Group có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành, phần lớn trong năm 2021, đặc biệt, các dự án điện gió của tập đoàn đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021 – kịp hưởng giá ưu đãi. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.

Ở một động thái liên quan, Cục Thuế TP Đà Nẵng vừa ra quyết định cưỡng chế thuế số tiền hơn 445 tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Trung Nam – một công ty con nằm trong hệ sinh thái Trung Nam Group.

Theo quyết định, việc cưỡng chế được thực hiện bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty cổ phần Trung Nam, mã số thuế: 0400405307, địa chỉ tầng 2 tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Lý do cưỡng chế là Công ty cổ phần Trung Nam nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền nợ thuế Công ty Cổ phần Trung Nam bị cưỡng chế lần này lên tới 445,55 tỷ đồng.

Cùng với quyết định cưỡng chế thuế, Cục Thuế TP Đà Nẵng cũng ra thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty Cổ phần Trung Nam.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân phát sinh số tiền nợ thuế khủng trên được cho là do khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất tại dự án khu đô thị Golden Hills do Công ty Cổ phần Trung Nam làm chủ đầu tư tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

An Tú/TCDN

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Ảnh: Công ty thủy điện của Trung Nam được Bộ Công Thương mua điện giá vượt trần, bất tuân Luật Điện lực.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cong-ty-thuy-dien-cua-trung-nam-group-duoc-mua-dien-gia-vuot-tran-bat-tuan-luat-dien-luc-d44954.html