Những cơ chế đặc thù đối với ngành Giao thông Vận tải mà Quốc hội vừa thông qua sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành kết cấu hạ tầng.
Với việc Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, đại diện cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư cho rằng nhiều dự án giao thông sẽ được “cởi trói” nhiều nút thắt nhằm đẩy tiến độ.
Rút ngắn nhiều thủ tục cấp, khai thác mỏ mới
Sẽ có 21 dự án rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục khai thác mỏ nhờ vào việc áp dụng cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường của Quốc hội thông qua bao gồm các Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Tân Phú-Bảo Lộc; Bảo Lộc-Liên Khương; Cao Lãnh-An Hữu, Mỹ An-Cao Lãnh; Dầu Giây-Tân Phú; Đồng Đăng-Trà Lĩnh; Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình và Ninh Bình; Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.
Cùng với đó là các Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ; Chợ Mới-Bắc Kạn; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; cầu Đại Ngãi; đầu tư mở rộng đường bộ Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn; nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ-Hậu Giang (quốc lộ 61C) và Dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ-Dự án 1.
Với cơ chế thí điểm Quốc hội cho phép áp dụng, đại diện Cục Quản lý đầu tư xât dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đối với các mỏ vật liệu mới, thủ tục cấp phép khai thác vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản thời gian có thể rút ngắn được khoảng 8-10 tháng, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Cụ thể, trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực, nhà thầu không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nguồn vật liệu phục vụ thi công các Dự án Cao tốc Bắc-Nam vẫn còn thiếu do chưa được nâng công suất và vướng trong cấp phép, khai thác mỏ vật liệu mới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ngoài ra, nhà thầu chỉ cần lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác để trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có mỏ vật liệu xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và thực hiện đúng các cam kết yêu cầu là hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu.
Bên cạnh đó, phía Cục Quản lý đầu tư xât dựng cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc trong đàm phán thỏa thuận bồi thường với chủ sở hữu để khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án.
Ngân hàng “rót” vốn đầu tư Dự án PPP giao thông
Tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Quốc hội đã cho phép hai Dự án PPP giao thông đường bộ được tăng vốn góp vượt 50% tổng mức đầu tư đó là Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Dự án đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được cho tăng phần vốn góp Nhà nước lên không quá 80% tổng vốn đầu tư (phần vốn Nhà nước tham gia tăng thêm được bố trí từ ngân sách địa phương). Dự án đầu tư xây dựng tuyến Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh (giai đoạn 1) được tăng tỷ lệ phần vốn Nhà nước lên không quá 70%.
Nhà thầu thi công thảm nhựa nền đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)
Khẳng định cơ chế tăng vốn góp Nhà nước tại dự án được Quốc hội thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh việc huy động vốn tín dụng của dự án gặp nhiều thách thức, đại diện nhà đầu tư Dự án Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh cho rằng với phương án tài chính hiện nay, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 25 năm 3 tháng. Trong khi đó, ngân hàng thường quan tâm đến các dự án có thời gian thu phí dưới 20 năm.
Với tỷ lệ tăng vốn Nhà nước, vị đại diện này tính toán thời gian thu phí hoàn vốn của dự án xung quanh mức 20 năm, đó là khoảng thời gian đủ sức hút ngân hàng ngồi lại đàm phán với nhà đầu tư về việc tài trợ vốn.
Việt Hùng/Vietnam+
Theo VietnamPlus
Ảnh: Nhà thầu chở đất tại một mỏ vật liệu phục vụ thi công cho Dự án Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Xem bài viết gốc tại đây: