Khổ sở vì ô nhiễm

Người dân kêu cứu đã nhiều năm nhưng tình trạng ô nhiễm do cụm công nghiệp giữa lòng TP Phan Thiết gây ra vẫn chưa được cải thiện

Cụm Công nghiệp (CCN) chế biến hải sản Phú Hài, TP Phan Thiết, tiếp giáp xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận hoạt động từ năm 2000. CCN này có tổng diện tích hơn 14 ha, được lấp đầy 100% với 74 cơ sở hoạt động, chủ yếu sản xuất nước mắm và chế biến hải sản sau thu hoạch.

Đủ thứ gây ô nhiễm

Bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường quá mức, các hộ dân xung quanh CCN chế biến hải sản Phú Hài đã nhiều lần làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Thế nhưng, qua nhiều năm, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa cải thiện.

Xung quanh CCN này có hàng trăm hộ dân phường Phú Hài và xã Hàm Thắng sinh sống. Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường chủ yếu do khí thải của nhà máy chế biến bột cá, các cơ sở chế biến nước mắm, nhà máy sản xuất phân vi sinh gây ra.

Dù các cơ sở này nằm trong CCN có hệ thống nước thải đấu nối với trung tâm xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất vẫn rất lớn. Theo người dân, mùi hôi thối vượt ngưỡng chịu đựng khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

“Vào cao điểm vụ cá Nam, khi các nhà máy hoạt động hết công suất, chúng tôi không thể nào thở nổi. Chưa kể, nước thải của một số nhà máy rò rỉ ra môi trường khiến phát sinh ruồi nhặng” – ông Phạm Văn Long – người dân thôn Ung Chiếm, xã Hàm Thắng – bức xúc.

Theo ông Phan Vũ – người dân phường Phú Hài, chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp di dời CCN này ra khỏi trung tâm TP Phan Thiết vì mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, không phù hợp nằm trong khu dân cư. “CCN nằm ngay trong khu dân cư, bên hông là tuyến đường Nguyễn Thông nối trung tâm TP Phan Thiết với Khu Du lịch Mũi Né. Việc để tồn tại một CCN gây ô nhiễm giữa trung tâm thành phố như vậy là quá bất cập” – ông Vũ nhận xét.

Dù cử tri phường Phú Hài và xã Hàm Thắng đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân nhưng đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Bức xúc, một số hộ dân đã tự trang bị thiết bị đo nồng độ khí thải từ các nhà máy trong CCN này để chứng minh mức ô nhiễm vượt ngưỡng.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, mùi hôi tại CCN nêu trên phát sinh từ các bao xác mắm đặt dọc những tuyến đường của một số cơ sở chế biến nước mắm. Nước từ các bao xác mắm rỉ ra, cùng với nước từ quá trình rửa sàn, từ các phương tiện chở nguyên liệu cho các cơ sở chế biến nước mắm chảy ra đường rồi ứ đọng, phát sinh mùi hôi.

Mùi hôi còn phát sinh từ quá trình hoạt động của các cơ sở chế biến bột cá; từ những loại rác thải (kể cả xà bần) do các xe không rõ nguồn gốc chạy vào CCN đổ.

Mùi hôi phải giảm ít nhất 70%

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc hoạt động và bảo vệ môi trường đối với các nhà máy trong CCN chế biến hải sản Phú Hài. Định kỳ hằng năm, sở còn thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kết hợp đo đạc mẫu khí thải tại ống khói của các cơ sở để đánh giá hiệu quả xử lý và mức độ ô nhiễm.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết, cho biết cứ vào mùa cao điểm khai thác hải sản, nhiều đơn thư của người dân xung quanh CCN lại gửi đến phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, đo đạc song theo ông Việt, “kết quả là các chỉ tiêu nằm trong chuẩn của Việt Nam”.

Mương nước đen sì nằm cạnh Cụm Công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN chế biến hải sản Phú Hài, ngày 8-11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản yêu cầu đến ngày 30-11 phải có chuyển biến tích cực; mùi hôi phải giảm thiểu ít nhất 70% so với ngày 18-8. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND TP Phan Thiết chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và các cơ sở sản xuất trong CCN tổ chức tổng vệ sinh, bảo đảm các tuyến đường trong khu vực không còn rác thải, nước thải tù đọng.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, thành lập tổ/ đoàn kiểm tra, giám sát về môi trường, về an toàn thực phẩm theo quy định. Tổ/ đoàn này sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm của các cơ sở thứ cấp trong CCN. Trường hợp phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm, kể cả đình chỉ hoạt động.

Chỉ mới xử phạt 2 cơ sở gây ô nhiễm

Liên quan việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm trong CCN chế biến hải sản Phú Hài, năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Thức ăn gia súc Kim Đào với số tiền hơn 53 triệu đồng; xử phạt DNTN Ánh Vinh 40 triệu đồng vì đã có hành vi xả chất thải (nước thải và khí thải) vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.

Cơ quan chức năng còn yêu cầu 2 cơ sở này phải nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải.

Bài và ảnh: Châu Tỉnh – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Cụm Công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài được bao quanh bởi khu dân cư

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/moi-truong/kho-so-vi-o-nhiem-20231112214447937.htm