Trong khi nhà ở xã hội không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của người dân thì nhiều tòa nhà tái định cư đã hoàn thiện hoặc hoàn thiện đến 80-90% đang trong tình trạng bỏ hoang, không có người đến ở. Có những tòa nhà đóng cửa suốt chục năm khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí.
Hà Nội hiện có 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang trong nhiều năm, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp. Cụ thể, tại Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên), khu chung cư N3 gồm 3 tòa nhà, với 160 căn hộ được xây dựng những năm 2000 với tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng. Dự án được đầu tư nhằm mục đích tái định cư cho người dân khi mở rộng tuyến phố Sài Đồng.
Cũng tại đây, các khối nhà tái định cư nằm trên trục đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh) cũng rơi vào cảnh bỏ hoang, xuống cấp do không được đưa vào sử dụng. Những khối nhà này được xây dựng nhằm phục vụ đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm.
Tại quận Hoàng Mai có 4 dự án tái định cư bỏ hoang từ 7-10 năm dù chính quyền địa phương có vận động nhưng người dân không về ở. Đáng nói là trong bối cảnh hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang nhưng kế hoạch đầu tư cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 lại gặp nhiều khó khăn bởi không tìm đâu ra hơn 7.000 căn hộ để tái định cư cho người dân. Ngoài ra, còn rất nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm… cũng trong tình trạng bị bỏ hoang suốt nhiều năm.
Điểm chung của các dự án này là đã được xây dựng từ lâu nhưng không thu hút được người dân về ở bởi thiếu các hạng mục tiện ích cơ bản phục vụ đời sống như: không có chỗ để xe, thiếu hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, khu vui chơi…
Thực trạng trên cho thấy, vấn đề quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư ở các thành phố lớn đang có quá nhiều bất cập, gây lãng phí tài nguyên đất đai, lãng phí tiền của Nhà nước, nguồn lực của xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, để thu hút người dân đến ở thì chỉ xây dựng nhà ở tái định cư là chưa đủ, mà việc đảm bảo an sinh xã hội phải thực hiện tốt để người dân thấy được, cuộc sống ở nơi mới sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có một thực tế, cuộc sống của người dân ở nơi tái định cư gặp không ít khó khăn. Bởi trước đó, nhiều gia đình sống tại nơi ở cũ, gần khu vực đông dân cư, họ có nơi làm việc, kinh doanh, buôn bán từ nhiều năm nay. Vì vậy, khi tái định cư ở khu vực mới đã khiến nhiều người lo lắng vì không có việc làm, kiếm kế sinh nhai.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nhà tái định cư bỏ hoang một phần là do công tác quy hoạch, bởi chủ trương hiện nay là chỉ giải quyết chỗ ở thôi, thời hạn tái định cư tùy thuộc vào các nhu cầu khác nhau của người dân.
Để có thể sống được tại nơi ở mới, người dân phải có lương, có trợ cấp thích hợp và có nguồn lực tạo ra thu nhập để duy trì cuộc sống. Rất nhiều người tái định cư, con cái không thể theo học ở nơi cũ được mà phải có nơi học mới. Như vậy mô hình tái định cư phải phù hợp, phải xem xét công tác quy hoạch để tạo ra chất lượng cuộc sống cho người dân, tăng chất lượng sống ở những nơi ở mới hoặc nơi tái định cư mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Phải chú trọng đến cơ sở vật chất, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu một cách khoa học, phải cụ thể hóa các điều kiện thì mới có thể định hướng và xây dựng nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Sau một thời gian dài bỏ hoang, nhiều hạng mục của khu tái định cư xuống cấp nghiêm trọng, do lâu ngày không có người ở, không được đầu tư, bảo dưỡng
Ông Nghiêm cho rằng, với những khó khăn trên, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, chú trọng nghiên cứu để xác định vị trí xây dựng phù hợp. Bên cạnh chất lượng xây dựng, các khu nhà tái định cư cần đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, chợ, sân chơi… phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Các căn hộ tái định cư cần được xây dựng sát với nhu cầu thực tế.
“Với những dự án nhà tái định cư đang bị bỏ hoang phải đưa ra phương án thu hồi và tổ chức đấu giá, chuyển đổi công năng để bán cho người có nhu cầu thực sự, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát và lãng phí đất đai. Hiện nay có rất nhiều đề xuất đưa ra, có những đề xuất xây dựng bổ sung thêm tiện ích và có thêm dịch vụ, có đề xuất bán rẻ, tạo điều kiện cho người dân có thể mua được. Tùy từng vị trí mà cần có chính sách cụ thể, rất mong các địa phương và cả Hà Nội xem xét lại, tìm ra những bất cập để có phương án giải quyết, có như vậy mới phát huy giá trị của công trình mà chúng ta đang xây dựng”, ông Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội phân tích, vấn đề NƠXH hiện nay đang tồn tại 2 nghịch lý. Nghịch lý thứ nhất là NƠXH thì thiếu trong khi đó sự tiếp cận để được mua nhà thì rất khó. Thứ 2 là nhà ở tái định cư yêu cầu thì rất cao nhưng thực tế thì nhà đầu tư không muốn tiếp nhận và không mặn mà. Điều này xuất phát từ 2 vấn đề, một là giá cả của những sản phẩm bất động sản không phù hợp, thứ 2 là chất lượng không phù hợp và đặc biệt là các tiêu chí để người dân tiếp cận NƠXH hiện nay cũng không phù hợp, những yếu tố này đã tạo ra nghịch lý trên.
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội
Ông Phong cho rằng, nhà ở tái định cư sẽ hấp dẫn hơn nếu đáp ứng được những yêu cầu của người sử dụng. Đó là đảm bảo được tiện ích cho người trong diện tái định cư về mặt nhà ở, đường xá đi lại cũng như sinh kế của họ. Tiếp đó là đáp ứng được chất lượng nhà ở và điều kiện an sinh xã hội trong khu nhà đó. Những người thuộc diện di dời đến khu tái định cư là những người thực sự có nhu cầu nhà ở. Việc họ từ chối sản phẩm được cung cấp là do sự bất cập và những hạn chế trong việc thể hiện trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đến vấn đề xây dựng và phân phối NƠXH.
“Một số nhà tái định cư hiện nay đang được quy hoạch ở những vị trí không phù hợp, ví dụ như ở giữa cánh đồng, không có kết nối hạ tầng, tất cả điều đó không đáp ứng được nhu cầu của người dân đến ở, họ ch rằng mình không được quan tâm và có cảm giác bị bỏ rơi. Chúng ta nên điều chỉnh lại tư duy và cần thay đổi theo hướng hình thành các khu NƠXH mang tính chất đô thị NƠXH hoặc quần thể NƠXH, đồng bộ cả về kiến trúc, hạ tầng, cả các dịch vụ khác, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong các đối tượng ở cũng như trong các điều kiện cung cấp cho NƠXH, coi đó như một kiểu đô thị”, ông Nguyễn Minh Phong đưa ra ý kiến.
Chung Thủy/VOV.VN
Theo VOV.VN
Ảnh: 5 tòa chung cư với hàng trăm căn hộ thuộc dự án giãn dân nằm ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội bị bỏ hoang hơn 10 năm nay
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vov.vn/xa-hoi/nghich-ly-thieu-nha-o-xa-hoi-nha-tai-dinh-cu-bo-hoang-lang-phi-post1057664.vov