Bộ Giao thông Vận tải cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc tháo gỡ của các bộ, ngành, địa phương, sản lượng thi công dự án đạt gần 12% giá trị các hợp đồng.
Thông tin về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau gần 11 tháng triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tháo gỡ của các bộ, ngành, địa phương, sản lượng thi công dự án đạt gần 12% giá trị các hợp đồng. Nỗ lực là rất lớn song kết quả trên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu cát và đất đắp.
Cụ thể, đối với 10 dự án thành phần đoạn Hà Tĩnh – Khánh Hòa, theo tính toán, nhu cầu vật liệu đất đắp cần hơn 47 triệu m3; trong đó, hơn 5 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác đáp ứng trữ lượng. Còn lại gần 42 triệu m3 được sử dụng từ 71 mỏ mới, đáp ứng trữ lượng (khoảng hơn 61 triệu m3).
Các nhà thầu đã trình 56/74 hồ sơ mỏ, các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 38/56 mỏ, đã khai thác được 24/38 mỏ với trữ lượng khoảng 21 triệu m3.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn được Bộ Giao thông Vận tải đề cập là hiện nay, 14 mỏ đất đã được xác nhận bản đăng ký nhưng còn vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là về thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê đất khi các chủ sở hữu đưa ra giá cao hơn so với giá nhà nước bồi thường hiện nay.
Đơn cửu, tại mỏ Hoàng Đàm ở Quảng Bình là 450 triệu đồng/ha đất trồng keo, mỏ Vĩnh Sơn 5 ở Quảng Trị 1,4 tỷ đồng/ha đất trồng keo, mỏ Phú Ân ở Phú Yên 1,2 tỷ đồng/ha đất trồng keo, ở Quảng Ngãi mỏ Mễ Sơn 450 triệu đồng/ha, mỏ Chuông Ổi 1,4 tỷ đồng/ha, mỏ Núi Thị 1,8 tỷ đồng/ha… so với giá nhà nước khoảng trên dưới 300 triệu đồng/ha.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan đến việc thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án; giảm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với khu vực có rừng. Thực tiễn nhà thầu khai thác vật liệu không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng. Sau khi thuê đất để khai thác, nhà thầu phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ và toàn bộ diện tích đất để địa phương quản lý.
Về vật liệu cát, tính toán tổng nhu cầu cho 10 dự án thành phần cần khoảng gần 10 triệu m3. Trong đó, gần 5 triệu m3 được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác, đáp ứng về trữ lượng nhưng chưa đáp ứng về công suất.
Với hơn 4,7 triệu m3 còn lại được sử dụng từ 14 mỏ mở mới có trữ lượng khoảng gần 12 triệu m3. Hiện tại, các nhà thầu đã trình hồ sơ 13/14 mỏ, các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ, đã khai thác được 5/10 mỏ với trữ lượng khoảng 2 triệu m3.
Để đáp ứng nhu cầu cát cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần phải nâng công suất các mỏ cát đang khai thác như đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đề cập đến nguồn cát thi công hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong tổng số hơn 18 triệu m3 cát cần huy động cho dựa án, đến nay, tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3. Địa phương đã xác định gần 6,7 triệu m3; sẽ hoàn thành thủ tục để khai thác hơn 3 triệu m3 trong năm 2023, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Với 3,5 triệu m3 còn lại và 0,31 triệu m3 chưa xác định nguồn cung, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục trong năm nay.
Tại Đồng Tháp, tỉnh đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3. Đến nay, khoảng 4,7 triệu m3 đã xác định được nguồn cung; thủ tục để khai thác 3,3 triệu m3 sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2023, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Khoảng hơn 2 triệu m3 còn lại, địa phương tiếp tục xác định nguồn cung và triển khai thủ tục trong năm 2023.
Tỉnh Vĩnh Long cũng đã có chủ trương cung ứng cho dự án khoảng hơn 3 triệu m3 tại 4 vị trí mỏ và cam kết đẩy nhanh thủ tục để có thể bàn giao 1 mỏ cho nhà thầu khai thác (khoảng 0,75 triệu m3) trong tháng 10/2023, đảm bảo phân bổ đủ nguồn cát cho nhu cầu năm 2023 của dự án. Với hơn 1,6 triệu m3 còn lại, tỉnh tiếp tục xác định nguồn cung và triển khai thủ tục.
UBND các tỉnh cũng đã thống nhất triển khai đồng thời các thủ tục (khảo sát, phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường…) để rút ngắn thời gian, sớm đưa các mỏ vào khai thác và cam kết bố trí đủ nguồn cát theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao, hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023.
Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Theo Bnews
Ảnh: Tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu có chiều dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-van-thieu-nguon-vat-lieu-cat-va-dat-dap/312768.html