Quảng Ngãi: Tăng cường xử lý chất thải rắn sinh hoạt

(Phapluatmoitruong.vn) – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình ô nhiễm và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của tỉnh, năm 2022, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 800 tấn/ngày, đêm. Tại các đô thị, khu dân cư tập trung, lượng rác được thu gom, xử lý khoảng 500 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực các đô thị trung bình đạt khoảng 75-80%, khu vực nông thôn khoảng 40-50%.

Công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn do các công ty dịch vụ môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc các tổ, đội vệ sinh tại các địa phương thực hiện. Chất thải rắn sinh hoạt sau thu gom, vận chuyển và xử lý chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi rác khác trên địa bàn huyện chủ yếu là chôn lấp thông thường, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn, những khu vực chưa được đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển thì người dân tự thu gom và xử lý bằng cách đốt hoặc đào hố để chôn lấp…

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến tích cực, từng bước xử lý khối lượng rác tồn đọng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong đầu tư hạ tầng và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

“Khó khăn hiện nay là quy định về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường từ công trình xử lý chất thải rắn đến các công trình xây dựng khác khó đảm bảo. Trong khi đó, vị trí đảm bảo yêu cầu khoảng cách thường nằm ở vùng núi, có địa hình phức tạp, xa dân cư, xa nguồn thu gom rác thải… Do đó chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng lớn, chi phí thu gom, vận chuyển để xử lý rác thải cao. Mặc dù, tỉnh đã quy hoạch các vị trí xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng việc thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực này khó thực hiện, bởi người dân trong vùng chưa đồng thuận, phản đối gay gắt…” – UBND tỉnh nhấn mạnh.

Trước đó, từ ngày 02/10 đến ngày 6/10/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đi cơ sở khảo sát và làm việc với UBND các huyện Lý Sơn, Bình Sơn và thị xã Đức Phổ về nội dung nêu trên.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy khẳng định: “Mục đích của kế hoạch khảo sát lần này của Đoàn là để nắm bắt tình hình ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải rắn trên địa bàn. Đồng thời xem xét việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan quản lý chất thải rắn sinh hoạt; ghi nhận, tổng hợp các vấn đề có liên quan để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định”.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi làm việc.

Đoàn ĐBQH cũng đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

“Mặc dù còn nhiều tồn tại, nhưng kết quả đạt được của địa phương là rất đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ngãi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường, thay đổi hành vi, phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định…” – Trưởng đoàn ĐBQH nhấn mạnh.

                                                      Tùng Chi – Trí Minh

                                             (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn ĐBQH Quảng Ngãi với UBND tỉnh.