Khánh Hòa: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu! (Bài 5)

(Phapluatmoitruong.vn) – Người dân bức xúc và dư luận cho rằng, những dự án treo trong nhiều năm qua cùng với nạn khai thác cát trắng vô tội vạ ở huyện Cam Lâm là kẽ hở để doanh nghiệp trốn thuế trong lĩnh vực khai thác  khoáng sản.

Nguồn thu thuế bị thất thoát

Như Môi trường và Đô thị điện tử đã thông tin trong các bài viết trước, nhiều năm qua đã có một số đơn vị lén lút khai thác mỏ cát trắng Thủy Triều ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với khối lượng rất lớn, nhưng việc nộp thuế và xuất hóa đơn mua – bán cát thì cần phải có sự vào cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng để chống thất thu thuế. 

Theo người dân địa phương, thời gian qua, có nhiều đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong đó mỏ cát trắng Thủy Triều thường xuyên có những xe đào, xe tải hoạt động lấy cát tràn lan. Hiện nay, khu vực này đang là “điểm nóng” về khai thác cát trái phép. Mặc dù bà con đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm.

“Tại địa bàn xã Cam Hải Đông có một số đơn vị thường xuyên mua, bán cát lậu với khối lượng lớn (cát không rõ nguồn gốc). Hàng ngày, có nhiều xe chuyên dụng vận chuyển cát trắng đến bãi chứa để bán cho khách hàng. Cứ mỗi đợt bán cát trắng, đơn vị đã “phù phép” hoá đơn, qua mặt cơ quan chức năng, nguy cơ thất thoát lớn nguồn thuế khoáng sản là rất lớn” – Một người dân ở xóm 2, thôn Thủy Triều, bất bình.

Lần theo đơn phản ánh của bạn đọc, PV đã đi tìm hiểu hiện trường. Theo ghi nhận, tại mỏ cát trắng Thủy Triều có nhiều xe múc, xe tải liên tục chở cát về bãi chứa. Việc mua, bán cát trắng nơi đây được thực hiện công khai cả ngày lẫn đêm. Có ngày, hàng chục xe chuyên dụng vào Nhà máy tuyển rửa cát trắng của Công ty Fico để vận chuyển cát đi tiêu thụ khắp nơi. Do vậy, người dân cũng đặt ra nhiều nghi vấn về việc xuất hóa đơn, tính thuế mặt hàng cát trắng của DN này.

Đoàn xe vào mua cát trắng tại Nhà máy tuyển rửa ở xã Cam Hải Đông.

“Có đơn vị thường xuyên giao cát trắng cho khách hàng bằng cách  hợp thức hóa hồ sơ khai thác cát và hóa đơn bán hàng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ cát trắng chủ yếu trong nước và vận chuyển bằng những đoàn xe chuyên dụng với tải trọng khoảng 40 tấn trở lên. Có những tháng biển yên, sóng lặng, doanh nghiệp vận chuyển hàng chục ngàn khối cát trắng thông qua cảng Ba Ngòi và Tân cảng Cam Ranh…” – Một cán bộ hưu trí ở xã Cam Hải Đông bức xúc.

Cơ quan thuế nói gì ?

Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân, PV đã nhiều lần liên hệ và trực tiếp đến đăng ký làm việc với Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, nhưng rất tiếc không gặp được lãnh đạo Cục Thuế. Theo Phòng Tuyên truyền hỗ trợ NNT đã có Công văn phúc đáp cho PV (lần 1) và trao đổi một số nội dung liên quan đến việc nộp thuế của Công ty Fico.

Theo đó, bà Nguyễn Ngọc Thúy – Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ NNT cho rằng, hiện nay có một số đơn vị đã và đang khai thác cát trắng trên địa bàn xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tuy nhiên, việc kê khai nộp thuế là trách nhiệm của doanh nghiệp…

“Riêng Công ty Fico thực hiện kê khai tờ khai các sắc thuế tại Cục Thuế Khánh Hòa. Công ty đã thực hiện thuế GTGT, thuế TNDN, lệ phí môn bài, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Công ty đã được Cục Thuế kiểm tra thuế từ năm 2017 đến hết niên độ 2019. Việc cấp phép khai thác khoáng sản cũng như tạm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan của Công ty được Bộ TN&MT thực hiện, không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế…” – Bà Thúy khẳng định.

Khu vực Nhà máy tuyển rửa cát trắng của Công ty Fico tại xã Cam Hải Đông.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Về việc Cục Thuế Khánh Hòa căn cứ vào Giấy phép khai thác, chế biến cát của Bộ Công nghiệp nặng cấp cho Công ty năm 1990 để thu thuế có đúng Luật khoáng sản năm 2010? Và hiện Công ty Fico khai thác cát với khối lượng lớn, nhưng chưa thể hiện rõ công suất và khối lượng khai thác, cũng như việc xuất hóa đơn mua bán cát trắng chưa minh bạch liệu có vi phạm Luật thuế?” thì bà Thúy đề nghị PV làm việc trực tiếp với Phòng Thanh tra (P2) – Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cũng đã có Công văn phản hồi Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin (lần 2) cho PV liên quan đến việc nộp thuế của Công ty Fico do Phó Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ NNT Nguyễn Văn Vinh ký (nhưng lại không có con dấu?!).   

Trong công văn này có đoạn nêu rõ: “Cục Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với Công ty Fico theo kế hoạch được Tổng cục Thuế phê duyệt và công khai kết luận thanh tra theo quy định tại Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế mục Thông báo ngày 25/8/2023”.

Theo đó, hiện nay, Công ty Fico vẫn khai thác, chế biến cát trắng và nộp các khoản thuế vẫn theo Giấy phép của Bộ Công nghiệp nặng cấp năm 1990, (trong khi Bộ Công nghiệp nặng vốn đã giải thể, không tồn tại từ nhiều năm qua. Đó là điều hết sức vô lý!). Đến tháng 12/2022, Bộ TN&MT đã có QĐ 3576/QĐ-BTNMT và QĐ 268-CNNg/KTM hướng dẫn Công ty hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng cát còn lại, nhưng đến nay DN này vẫn “án binh bất động”.

Xe máy đào đang khai thác cát trái phép gần khu vực UBND xã Cam Hải Đông.

Ngoài ra, theo Kết luận thanh tra niên độ năm 2020 và 2021, do Phó Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa Lê Hải Ưng ký ngày 16/8/2023, có đoạn: “Công ty Fico đã có hành vi khai sai căn cứ tính thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế TNCN phải nộp năm 2020 và 2021 là 60.788.543 đồng. Với tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp là 83.173.520 đồng. Hành vi vi phạm của Công ty được quy định tại Điểm a-Khoản 1-Điều16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phát vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn…”.

Cũng theo Kết luận thanh tra của Cục Thuế Khánh Hòa: “Công ty hiện đang tạm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ năm 2014 đến năm 2022 theo các QĐ tạm phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm mỏ cát trắng Thủy Triều của Bộ TN&MT đối với sản lượng cát đã khai thác.

Công ty không phải nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trữ lượng đã khai thác từ ngày 1/7/2011 đến 31/12/2013 là 2.311.798.000 đồng (theo QĐ số 3102/QĐ-BTNMT, ngày 31/12/2020)”.

 

Xe tải chở cát trắng về bãi chứa trái phép.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra một cách minh bạch hơn những nội dung nêu trên, nhất là vấn đề nộp thuế, xuất hóa đơn của một số đơn vị kinh doanh cát trắng trên địa bàn huyện Cam Lâm, để quản lý tài nguyên, khoáng sản của quốc gia chặt chẽ hơn, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật khai thác tràn lan, thu lợi nhuận khổng lồ nhưng làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

                                                           Thiên Bút – Trường Sơn

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Bãi chứa cát trắng trái phép tại xã Cam Hải Đông.

Xem thêm tại đây:

Khánh Hòa: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu!

Khánh Hòa: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu! (Bài 2)

Khánh Hòa: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu! (Bài 3)

Khánh Hòa: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu! (Bài 4)