(Phapluatmoitruong.vn) – Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận Thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường tại khu vực phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia. Trong đó, chỉ ra nhiều sai phạm tại tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai và các cấp, ngành có liên quan của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công thực hiện các thủ tục khai thác, thu hồi khoáng sản cung cấp cho Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Do vướng mắc trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép hoạt động khoáng sản, theo đề nghị của chủ đầu tư và nhà thầu, UBND tỉnh Đồng Nai đã vận dụng quy định của pháp luật để cho phép thực hiện các phương án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ thi công Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại 4 khu vực gò, đồi bạc màu canh tác nông nghiệp kém hiệu quả…
Việc vận dụng quy định của pháp luật nêu trên đã giải quyết được nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ dự án. Vật liệu san lấp thu hồi đã được đơn vị thi công đăng ký nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thuế, phí khác theo quy định.
Tuy nhiên, việc thu hồi vật liệu san lấp không được thực hiện theo các thủ tục quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010, từ việc thăm dò, xác định loại khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện các thủ tục khác liên quan đến điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.
Trước tình trạng trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới, việc cải tạo đất nông nghiệp, thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án của UBND tỉnh Đồng Nai cần được cấp thẩm quyền nghiên cứu, xem xét như một cơ chế đặc thù, trên cơ sở đó có các quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo hài hòa được quyền lợi của người có đất (đối với tài sản trên đất và thời gian ngừng sản xuất) và cộng đồng dân cư khu vực có vật liệu san lấp cần thu hồi (đường giao thông, an ninh trật tự, môi trường…), tránh thất thu ngân sách Nhà nước (quy định về đơn giá vật liệu san lấp, tỷ lệ thu tiền cấp quyền…). Đồng thời, đảm bảo được các quy định về bảo vệ môi trường (phải có đánh giá tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt)…
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về vụ việc.
Đáng chú ý, Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định gia hạn giấy phép khai thác đá cho Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm (mỏ đá Soklu 1), điều chỉnh giấy phép khai thác và tăng thời hạn khai thác cho Công ty CP Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa (mỏ đá Soklu 2), ban hành giấy phép thay thế giấy phép đã cấp, qua đó tăng diện tích và thời hạn khai thác cho Công ty TNHH MTV Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa (mỏ đá Soklu 5) là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010.
Việc cấp phép đã dẫn đến một khối lượng đá được khai thác và cung ứng ra ngoài thị trường, mặc dù đơn vị khai thác đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí theo quy định, nhưng vi phạm cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.
Theo Kết luận thanh tra, để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cùng các tổ chức, cá nhân liên quan (do Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xác định).
Đỗ Thuận – Đức Tĩnh
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, đoạn qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.