Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị cắt điện, nước công đoạn sản xuất của các tổ chức gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản dự thảo kiến nghị Bộ TN&MT về các khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư.
Nhiều cơ sở trong khu dân cư gây ô nhiễm
Theo báo cáo của Sở TN&MT, tại TP.HCM có nhiều cơ sở sản xuất hoạt động xen cài trong khu dân cư. Trong đó, nhiều cơ sở gây ô nhiễm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ chấp hành nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả. Điều này gây bức xúc trong người dân và khó khăn trong công tác xử lý của cơ quan quản lý.
Ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 600 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có phát sinh chất thải công nghiệp, nước thải, khí thải, tiếng ồn độ rung nằm xen cài trong khu dân cư. Các cơ sở này phần lớn được di dời từ các quận nội thành TP.HCM trong hơn 20 năm qua do ảnh hưởng từ cơ cấu đô thị hóa cũng như chương trình di dời cơ sở xen cài trong khu dân cư của TP.
“Đa số là các cơ sở nhỏ lẻ, máy móc, thiết bị thô sơ, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhà xưởng thuê tạm bợ. Các cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Điều này đã tăng một gánh nặng không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương” – ông Cường nói.
Sở TN&MT đánh giá hiện nay vẫn còn thiếu biện pháp cưỡng chế thi hành là đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nhưng không khắc phục, tái phạm nhiều lần và những cơ sở buộc di dời do thuộc ngành nghề có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoạt động xen cài trong khu dân cư.
Theo Sở TN&MT, kế hoạch thí điểm di dời đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác di dời, UBND TP, UBND các địa phương và các sở, ban ngành gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, các cơ sở vẫn chưa chủ động, chậm triển khai, chưa kịp thời hoặc thiếu sự tương tác với các sở, ban ngành trong việc trao đổi thông tin, tiếp cận các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó còn có những doanh nghiệp chưa tích cực thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới, cố tình kéo dài việc đưa vào hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp. Ngoài ra còn có trường hợp có hành vi đối phó, tháo dỡ niêm phong, không chấp hành các quyết định xử phạt, đình chỉ, cấm hoạt động tại vị trí cũ.
Với thực trạng trên, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, trình các cấp có thẩm quyền để bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả bằng hình thức ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng Sở TN&MT kiến nghị ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm về ô nhiễm môi trường là phù hợp.
Nhiều ý kiến đồng tình
Ông Vương Kiến Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết trường hợp các công ty nhỏ xen cài trong các khu dân cư trên địa bàn phường trước đây xuất hiện nhiều. Gần đây số lượng giảm đi do các doanh nghiệp chuyển dịch ra vùng ngoại thành. Tuy nhiên, tình trạng gây ô nhiễm của các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn vẫn còn.
“Việc Sở TN&MT kiến nghị ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm về ô nhiễm môi trường là phù hợp. Điều này sẽ giúp xử lý triệt để những trường hợp gây ô nhiễm, tránh tình trạng tái vi phạm nhiều lần” – ông Tân nói.
Ông Huỳnh Cao Cường cũng đánh giá nếu kiến nghị trên được chấp thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Việc ngưng cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất được xem là biện pháp mang tính chất răn đe; tác động trực tiếp đến ý chí chủ quan của các cá nhân, tổ chức chây ì, cố tình tránh né việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng… Điều này cũng thể hiện ý chí kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Ông Cường cũng cho rằng khi áp dụng biện pháp ngưng cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất sẽ tăng tỉ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT do tâm lý e ngại việc bị cưỡng chế thi hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Sở TN&MT kiến nghị cắt điện, nước công đoạn sản xuất tại những cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ảnh: N.CHÂU Theo Sở TN&MT TP.HCM, theo Điều 45 Nghị định 117/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, đơn vị cấp nước sẽ tạm ngừng cung cấp nước trong các trường hợp như có yêu cầu của khách hàng vì các lý do tạm vắng, tạm dừng sản xuất, kinh doanh một thời gian nhưng không chấm dứt hợp đồng dịch vụ cấp nước; khách hàng không thanh toán hóa đơn tiền nước trong khoảng thời gian nhất định sau khi nhận được thông báo của đơn vị cấp nước… Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 134/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì cá nhân, tổ chức sử dụng điện bị xử phạt vi phạm mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì ngoài các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể bị cưỡng chế thi hành bằng biện pháp ngừng cung cấp điện. Tuy nhiên, Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT lại không đề cập biện pháp cưỡng chế là ngừng cung cấp điện, dẫn đến không thể áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện trong trường hợp các cơ sở không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Điều này gây khó khăn trong việc xác nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm của các cơ sở trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể. |
Nguyễn Châu – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Nhiều cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ảnh: N.CHÂU
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/tphcm-kien-nghi-cat-dien-nuoc-co-so-gay-o-nhiem-moi-truong-post752838.html