Hà Tĩnh: Hạ tầng cụm công nghiệp trăm tỷ dang dở

Sau hơn 2 năm được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương xây dựng, mặc dù nhà đầu tư cũng như chính quyền sở tại đã rất nỗ lực nhưng đến nay, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp huyện Can Lộc với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng chưa thành hình, vẫn là bãi đất trống cho người dân tận dụng thả trâu bò.

Từ hy vọng thành thất vọng

Cuối năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3779 phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp huyện Can Lộc tại xã Thiên Lộc và thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc). Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô.

Dự án có mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đạt tiêu chuẩn theo hình thức xã hội hóa đầu tư nhằm hình thành cụm công nghiệp tập trung đa ngành nghề, thu hút đầu tư các dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngân sách… Tổng diện tích dự án là 24,45ha (trong đó bao gồm 3,66ha diện tích đất thuộc Dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc đã triển khai); đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên diện tích còn lại khoảng 20,79ha.

Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 122 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn chủ đầu tư chiếm khoảng 20%, còn lại 80% vốn vay và huy động các nguồn khác), tiến độ thực hiện dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến đầu tư hơn 78 tỷ đồng (hoàn thành đưa khai thác, sử dụng trong tháng 10/2021). Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 11/2021 và hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 12/2022, dự kiến đầu tư khoảng 44,5 tỷ đồng. Chủ đầu tư cam kết sẽ làm các hạng mục như: Đường, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải… nhằm thu hút các nhà sản xuất thứ cấp vào thuê mặt bằng để sản xuất may mặc và chế biến lương thực.

Để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, huyện Can Lộc phải thu hồi hơn 24ha đất sản xuất nông nghiệp của 100 hộ dân xã Thiên Lộc. Tuy nhiên, đầu năm 2021, sau khi khởi công và xây dựng được tuyến đường vành đai dài hơn 2km, đổ được một phần đất san lấp mặt bằng, bất ngờ chủ đầu tư rút hết máy móc, dừng thi công.

Chủ đầu tư mới xây dựng được tuyến đường vành đai dài hơn 2km, đổ được một phần đất san lấp mặt bằng thì bất ngờ dừng thi công.

Chủ đầu tư mới xây dựng được tuyến đường vành đai dài hơn 2km, đổ được một phần đất san lấp mặt bằng thì bất ngờ dừng thi công.

Có thể thấy, việc triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Can Lộc được nhân dân địa phương rất đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Hữu Thoan – Bí thư Chi bộ thôn Trung Hải (xã Thiên Lộc) chia sẻ: Người dân trong thôn sau khi nhường đất nông nghiệp cho chủ đầu tư thực hiện dự án thì rất kỳ vọng sau khi hạ tầng cụm công nghiệp hoàn thành, sẽ thu hút được các nhà đầu tư về mở nhà máy sản xuất. Từ đó tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, cũng như làm thay đổi diện mạo vùng đất còn nghèo nơi đây. Thế nhưng, đến giờ, dự án vẫn dang dở khiến bà con rất thất vọng. Đất sản xuất thu hồi rồi để hoang thời gian dài rất lãng phí.

Cần chấm dứt dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực

Ông Đặng Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: “Sau khi triển khai thi công trong thời gian ngắn, không rõ lý do vì sao chủ đầu tư lại cho rút toàn bộ máy móc đi nơi khác. Dự án hạ tầng cụm công nghiệp đến nay mới chỉ dừng lại ở công đoạn san lấp mặt bằng, toàn bộ diện tích đang là bãi đất trống để cho cỏ dại mọc. Dự án thu hồi đất của người dân đã lâu, sau thời gian dài thi công vẫn đang dang dở khiến bà con rất bức xúc. Việc thu hồi số diện tích đất nông nghiệp lớn, song lại bị doanh nghiệp bỏ hoang rất lãng phí. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên đốc thúc chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án để sử dụng hiệu quả diện tích đất đã thu hồi của người dân”.

Đất sản xuất thu hồi rồi để hoang thời gian dài gây lãng phí khiến người dân bức xúc.

Đất sản xuất thu hồi rồi để hoang thời gian dài gây lãng phí khiến người dân bức xúc.

Theo ông Trần Sỹ Hùng – Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Can Lộc: “Khi dự án được xây dựng, huyện cũng rất kỳ vọng vì cụm công nghiệp sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân ở vùng xung quanh. Hiện nay, chủ đầu tư thiếu vốn nên dự án bị chậm tiến độ, việc này khiến huyện chưa có cơ sở để thu hút các doanh nghiệp vào cụm công nghiệp. Chúng tôi cũng đã báo cáo với các Sở, ngành cấp tỉnh để đề nghị chủ đầu tư tiếp tục triển khai lại dự án, sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như đã cam kết. Nếu chủ đầu tư thiếu khả năng triển khai dự án thì cần thực hiện thủ tục chấm dứt theo quy định”.

Vân Hà – Phương Dung – Báo Xây Dựng

Theo Xây Dựng

Ảnh: Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp huyện Can Lộc có diện tích 24,45ha, với tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng sau 2 năm vẫn là bãi đất trống.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-ha-tang-cum-cong-nghiep-tram-ty-dang-do-360997.html