Các chuyên gia cũng khẳng định, khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát, không đúng kỹ thật sẽ tạo cơ hội cho nước bẩn thâm nhập, làm biến đổi chất lượng nguồn nước.
Hầu như tất cả nước ngọt ở trạng thái lỏng trên thế giới đều là nước ngầm, hỗ trợ cung cấp nước uống, điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và các hệ sinh thái. Nước ngầm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, do đó cần phải có sự chung tay, phối hợp để quản lý một cách bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.
Nước ngầm là gì?
Nước ngầm là nước được tìm thấy dưới lòng đất trong các tầng chứa nước – sự hình thành địa chất của đá, cát và sỏi chứa một lượng nước đáng kể. Nước ngầm cung cấp nước cho các con suối, sông, hồ và các vùng đất ngập nước, rồi thẩm thấu vào các đại dương. Nguồn nước ngầm được tái tạo chủ yếu từ nước mưa và tuyết rơi thấm vào lòng đất. Nước ngầm có thể được khai thác đưa lên bề mặt bằng máy bơm và giếng khoan.
Tại sao nước ngầm lại quan trọng?
Hầu như tất cả nước ngọt ở trạng thái lỏng trên thế giới đều là nước ngầm. Sự sống sẽ không thể tồn tại nếu không có nước ngầm. Hầu hết các khu vực khô cằn trên thế giới phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước dưới lòng đất. Nước ngầm cung cấp một tỷ lệ lớn nước mà chúng ta sử dụng để uống, vệ sinh, sản xuất lương thực và sản xuất công nghiệp.
Nước ngầm cũng rất quan trọng đối với sự vận động lành mạnh của các hệ sinh thái, chẳng hạn như các vùng đất ngập nước và các con sông. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm có thể dẫn đến sự mất ổn định và sụt lún đất, cũng như tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển.
Nước ngầm – nguyên tài nguyên quý
Tại Việt Nam, nước ngầm càng ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho thấy, tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).
Với nguồn nước phong phú như vậy, tỉ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn, đơn cử như đã có 57% các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh sử dụng nước ngầm.
Theo ông Triệu Đức Huy, Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Đến nay, việc sử dụng nước công nghiệp đã tăng gần gấp đôi so với mức năm 2006 và mức độ tăng sẽ chủ yếu diễn ra ở các lưu vực sông vốn đã tập trung nhiều hoạt động công nghiệp lớn – đó là các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Đồng Nai, nhóm sông Đông Nam Bộ, Cửu Long, và Vu Gia – Thu Bồn. Chính vì thế, có nhiều đô thị đang khai thác và sử dụng nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt và công nghiệp.
Các thành phố và thị xã đang khai thác chủ yếu là nước dưới đất là: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Số còn lại đều sử dụng nước mặt kết hợp với nước dưới đất.
Theo thống kê, lượng nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho đô thị hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lượng nước cấp. Phần lớn các đô thị sử dụng nguồn nước dưới đất đều có công suất khai thác nhỏ, từ 5.000-15.000 m3/ngày đến từ 20.000-40.000 m3/ngày.
Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có tổng công suất khai thác lớn hơn (thành phố Hà Nội đang khai thác khoảng 1,3 triệu m3/ngày, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 600 ngàn m3/ngày). Các vùng hiện đang khai thác nước dưới đất nhiều nhất là Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, đây là các vùng tập trung dân cư và kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, khoảng 62% người dân nông thôn được cấp nước sạch, hầu hết nguồn cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là nước dưới đất.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) được đấu nối đến từng hộ gia đình, bảo đảm nhu cầu của người dân. (Ảnh THÚY HỒNG)
Sức ép suy giảm nguồn nước ngầm
Nước ngầm đang bị sử dụng quá mức ở nhiều nơi, đặc biệt là những khu vực mà lượng nước bổ sung cho các tầng chứa nước (thông qua mưa và tuyết) ít hơn so với lượng nước được khai thác. Việc sử dụng quá mức diễn ra liên tục cuối cùng khiến nguồn tài nguyên quý giá này trở nên cạn kiệt.
Ở nhiều nơi, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và việc khắc phục thường là một quá trình lâu dài và khó khăn. Điều này làm tăng chi phí xử lý nước ngầm, và thậm chí đôi khi cản trở việc sử dụng chúng.
Ở những nơi khác, chúng ta vẫn chưa đo được trữ lượng nước ngầm, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể sẽ không khai thác được nguồn nước quan trọng này.
Thăm dò, bảo vệ và sử dụng bền vững nước ngầm sẽ là trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.
Việc khai thác quá mức nước dưới đất mà không có sự kiểm soát chặt sẽ gây ra một số tác động như: Làm thấp mực nước dưới đất do việc khai thác nước ngầm tràn lan, không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước ngầm tại khu vực cạn kiệt dần và làm thấp mực nước ngầm; ảnh hưởng tới công trình khai thác nước ngầm. Cụ thể, khi một công trình khai thác nước ngầm đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp, do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình, đồng thời khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.
Các chuyên gia cũng khẳng định, khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát, không đúng kỹ thật sẽ tạo cơ hội cho nước bẩn thâm nhập, làm biến đổi chất lượng nguồn nước.
So với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn, nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thẩm thấu lớn, làm cho nước mặt thấm xuống nhiều cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Bên cạnh đó, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước, làm ô nhiễm nước dưới đất.
Cùng với đó, quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thủy lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm… Trên cơ sở này, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo, khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài, tốn kém.
Tầm quan trọng của nước ngầm là không thể phủ nhận, tuy nhiên nó vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Chúng ta phải bảo vệ nguồn nước ngầm khỏi ô nhiễm và sử dụng nó một cách bền vững, đồng thời cân bằng giữa nhu cầu của con người và hành tinh./.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ở những khu vực khô hạn nhất trên thế giới, nước ngầm có thể là nguồn nước duy nhất mà con người có. (Ảnh minh họa: rediff.com)