Hiện nay, cả nước chỉ có hơn 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được cấp phép xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn.
Trên thực tế, các bộ, ngành địa phương đã có những phương án cụ thể để triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội là vấn đề pháp lý. Ngoài thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian dự án đầu tư nhà ở xã hội, thì việc chủ đầu tư không được quyết định về giá khiến cho doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
Quỹ đất và vốn cũng là những vướng mắc lớn để phát triển nhà ở xã hội. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đốc thúc các địa phương đẩy nhanh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội. Để triển khai nhanh chóng đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với các Luật liên quan.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: “Để tiết kiệm thời gian, trong điều kiện chúng ta có Luật Nhà ở có hiệu lực vào 1/7/2024, nhưng nhằm sớm có những chính sách khuyến khích cũng như tạo sự thông thoáng trong quá trình đầu tư các dự án nhà ở xã hội thì Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội là riêng các chính sách phát triển nhà ở xã hội thì sẽ có hiệu lực sớm từ 1/1/2024. Nếu được Quốc hội thông qua thì chúng ta sẽ có chính sách thông thoáng hơn, sớm hơn nửa năm so với thông thường”.
Theo phân tích của các chuyên gia, vấn đề cần nhanh chóng được giải quyết là cần rà soát các thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết. Tập trung hoàn thành các dự án hiện đã có quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản xong giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hoặc đang thi công xây dựng; tiếp tục triển khai các dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung các quy định cho phép các địa phương sử dụng một phần tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho các dự án nhà ở xã hội.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình cho rằng: “Nếu như có chính sách tạo động lực mạnh hơn cho các nhà đầu tư, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản, cho các địa phương có áp lực lớn hơn để chính quyền địa phương phải vào cuộc, chứ không phải đợi giải quyết được tất cả các vấn đề pháp lý thì mới triển khai được các dự án nhà ở xã hội. Điều đó chúng tôi cho rằng không nên đặt điều kiện như vậy. Chúng ta tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, nhưng nếu chúng ta có những động lực, quyết tâm thì vẫn có thể triển khai được nhiều dự án nhà ở xã hội hơn trong tình hình hiện nay”.
Thành Trung/VOV1
Theo VOV.VN
Ảnh: Nhiều vướng mắc về pháp lý khi phát triển nhà ở xã hội
Xem bài viết gốc tại đây: