Với chiều dài khoảng 2.000km, hệ thống kênh rạch vừa có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển TPHCM, vừa tạo nét đặc trưng cảnh quan tự nhiên, đóng góp vào hình thái không gian đô thị.
Nhưng vì nhiều lý do, hầu hết hệ thống kênh rạch ở TPHCM đã bị ô nhiễm vì rác và nước thải trong một thời gian rất dài. Phải trả lại môi trường sống trong lành cho người dân và xanh hóa hệ thống kênh rạch là mục tiêu mà thành phố đặt ra.
“Công trường” Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên
Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đang được Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện có 9/10 gói thầu được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến trải dài 7 quận, huyện. Tại gói thầu XL-08 (đoạn từ cầu Chợ Cầu đến cầu Trường Đai) khoảng 2,4km, từng nhóm công nhân tất bật thực hiện các công đoạn đóng cọc bê tông ly tâm kè hai bên bờ kênh thuộc quận 12 và Gò Vấp.
Cách đó khoảng 10km, tại một số gói thầu trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, hàng chục công nhân cũng hối hả thi công nền bằng cọc xi măng. Gần đó, các đơn vị khác cũng đang triển khai đồng loạt công tác rung hạ cừ ván bê tông dự ứng lực SW. Dọc bên bờ phía hạ lưu trên toàn tuyến của dự án là đoạn có các bãi đúc sẵn cọc bê tông cốt thép, đúc cống thoát nước, hố ga và hào kỹ thuật bằng bê tông cốt thép.
Tại công trường, Tư vấn giám sát của Công ty Nhật Minh (gói thầu XL-08) Mai Văn Lâm cho biết, việc thi công đang đảm bảo tiến độ. Trên công trường, nhà thầu huy động tất cả vật tư, máy móc thi công, kể cả ngày lễ hay thời tiết mưa gió, để làm sao đưa gói thầu về đích đúng kế hoạch. Hiện nhà thầu đang triển khai thi công hạng mục kè, sau đó sẽ thực hiện hạng mục sau kè, đường ống thoát nước, hạ tầng kỹ thuật…, trước Tết Nguyên đán năm nay.
Sáng, chiều ra ngắm những đoạn kè kênh và đường đang gần hoàn thiện, bà con sinh sống ven kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (vốn ô nhiễm đặc quánh, đang dần hồi sinh) phấn khởi ra mặt. Ông Bùi Thanh Hiền, 64 tuổi, nhà mặt tiền hướng ra kênh (phường 13, quận Gò Vấp), cho biết: Việc thi công diễn ra ngày đêm, bùn thải dưới lòng kênh đã nạo vét, nước đã chảy được, không còn tù đọng như trước đây. Bà con nơi đây ai cũng trông mong công trình hoàn thành sớm.
Về tiến độ chung của dự án, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Điều hành dự án 4 (Ban Đô thị), Giám đốc Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, thông tin, do dự án có chiều dài toàn tuyến lớn, chủ yếu trong lòng đô thị nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện trên tuyến có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu như cầu giao thông, cống băng ngang kênh, đường ống cấp nước và lưới điện cao thế 110kV, 220kV và 550kV… cần di dời. Toàn dự án còn gói thầu XL-10 duy nhất chưa thi công được do vướng mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, đến nay, dự án đã giải ngân được 260,922/1.650 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,81% (1.650 tỷ đồng vốn ghi trong năm 2023). Dự kiến hết năm 2023 sẽ giải ngân 1.650 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn.
Nhiều tuyến kênh xanh hóa
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xanh hóa là một minh chứng cho nỗ lực của thành phố trong việc xanh hóa kênh rạch trong thời gian qua. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là dòng kênh chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Năm 2003, kế hoạch “hồi sinh” dòng kênh được thực hiện bằng Dự án Vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Dự án có số vốn hơn 300 triệu USD, với các hạng mục chính như: nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải.
Thuyền vớt rác trên kênh Tân Hóa – Lò Gốm (khu vực quận 6, TPHCM)
Sau khi giải tỏa được hàng ngàn căn nhà tạm, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa dọc kênh. Đến nay, hai con đường xinh đẹp đã rợp bóng cây xanh với vỉa hè thoáng đãng, trở thành nơi vui chơi, nghỉ ngơi hóng mát và tập luyện thể dục, thể thao cho người dân. Cuối năm 2015, thành phố bắt đầu triển khai tuyến du lịch đường thủy nội thị đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tròn 20 năm thực hiện đầu tư, cải tạo với nhiều công trình đan xen, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã thực sự được hồi sinh và đây được xem là công trình thế kỷ của thành phố.
Một dự án lớn khác cũng đã được thành phố thúc đẩy cải tạo, nâng cấp, đó là dự án hồi sinh kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Sau 5 năm thi công, tháng 4-2015, dự án được khánh thành. Với chiều dài toàn tuyến 19km cùng mức đầu tư khoảng 162 triệu USD, dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm đã làm thay đổi rất lớn cuộc sống của người dân quanh hai bờ kênh thuộc các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú…
Dự án cải tạo kênh Nước Đen, quận Bình Tân được khởi công quý 1-2020, với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng, cũng đã cán đích trong năm 2022. Dự án hoàn thành góp phần thay đổi “bộ mặt”, cảnh quan và môi trường dọc kênh. Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5m và làm vỉa hè rộng gần 1m cho người dân đi bộ. Lòng đường 2 bờ kênh thông thoáng hơn sau khi mở rộng, thảm nhựa cho 2 làn xe chạy, lắp hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh… Ngoài việc cải tạo dọc đôi bờ kênh sạch, thông thoáng, ban quản lý dự án còn chỉnh trang lại công viên ven kênh tạo cảnh quan xanh, lắp các tiện ích để người dân tập thể dục.
Cuối tháng 8-2023, ghi nhận của PV Báo SGGP ở bến Bình Đông, phường 15, quận 8, cho thấy nhiều hạng mục công trình cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé đang dần được hoàn thiện. Ở đây có nhiều đoạn bờ kè đã được gia cố ổn định, khang trang, người dân có thể thoái mái đi dạo, vui chơi dọc tuyến kênh. Cách bến Bình Đông hơn 1km, khu vực thi công ở bến Mễ Cốc cũng rất tấp nập, hệ thống bê tông kè và lan can cơ bản đã hoàn thiện… Ngồi nhâm nhi ly cà phê đen bên bờ kè kênh Tàu Hủ, bến Bình Đông, chú Trần Văn Tú, một người dân sống ở khu vực này, vui vẻ tâm sự, việc cải tạo kênh đã giúp tàu thuyền đi lại thuận tiện hơn, nhiều ghe chở rau củ, trái cây đến buôn bán khiến cuộc sống nơi đây sung túc hẳn lên. Trong nỗ lực chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện hàng chục dự án cải tạo kênh rạch. Nhiều dự án đã được lên danh sách, có những dự án rất quan trọng đã tồn đọng nhiều năm cũng được thành phố ưu tiên giải quyết, đơn cử như dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Gấp)… Dự án cải tạo kênh Hy Vọng bên cạnh mục tiêu góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống cho người dân, còn nhằm đảm bảo khả năng thoát nước cho lưu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Kênh Hy Vọng dài khoảng 1km sẽ được cải tạo thành mương hở, kết hợp làm đường giao thông mỗi bên rộng 6m và trồng cây xanh hai bên đường. Dự án nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật có tổng mức đầu tư khoảng 9.664 tỷ đồng. Sau cải tạo lòng rạch sẽ có bề rộng 20-30m; đường giao thông ven rạch 2 làn xe mỗi bên; có công viên, mảng xanh dọc hai bên bờ. |
Quốc Hùng – Minh Hải – Báo SGGP
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Ảnh: Kênh Tân Hóa – Lò Gốm hôm nay. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.sggp.org.vn/hoi-phuc-mau-xanh-kenh-rach-post704022.html