Cao tốc Bắc Nam chậm vì thiếu đất đắp đường

Mặc dù các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đã khởi công từ đầu năm 2023, nhưng đến nay tiến độ thi công đang bị chậm so với kế hoạch do thiếu vật liệu đất đắp, thiếu cát đắp nền.

Cho 69 mỏ, mới khai thác được 15

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 với chiều dài 721 km, chia làm 25 gói thầu. Các dự án đã được khởi công cuối năm 2022 và đến nay nỗi lo thiếu vật liệu đất đắp, cát san lấp, đang dần lớn, đe dọa ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Tại dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (88 km), Ban quản lý dự án 2 (Chủ đầu tư dự án) cho biết, nhu cầu đất đắp cần khoảng 12 triệu m3, thế nhưng đến này, số mỏ được cấp phép chỉ đếm “trên đầu ngón tay” so với tổng số mỏ được đưa vào quy hoạch. Ví dụ, tại gói thầu XL01, tổng số mỏ đất được đưa vào quy hoạch là 13, nhưng mới có 3 mỏ được cấp phép khai thác, 8 mỏ còn lại đang trong giai đoạn làm hồ sơ.

Dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng (65,2 km) đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh, nhà thầu mới chỉ bố trí một số mũi thi công cầm chừng vì thiếu nguồn đất đắp, chưa bổ sung được từ các mỏ đã giao cho nhà thầu.

Tương tự, tại dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (110km), sau 8 tháng triển khai thi công hiện đang bị chậm tiến độ do thiếu cát san lấp, chậm mặt bằng. Trong đó, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang chỉ đạt 8,72% hợp đồng, chậm 5,6% so với tiến độ dự án, đoạn Hậu Giang – Cà Mau đạt 7,5% hợp đồng, chậm 4,5% so với tiến độ dự án….

Thống kê từ Bộ GTVT tại 12 dự án thành phân cao tốc Bắc – Nam, hiện nay các địa phương mới xác nhận bản đăng ký của 42/69 mỏ của các nhà thầu. Trong số 42 mỏ được xác nhận bản đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 15 mỏ. Còn 27 mỏ đã trình các cơ quan có chức năng nhưng chưa được chấp thuận.

Các mỏ vật liệu chưa khai thác, chưa xác nhận bản đăng ký chủ yếu do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chậm thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.

Thỏa thuận giá bồi thường cao gấp 2-3 lần

Năm 2022 để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 cho phép Thủ tướng Chính phủ trong 2 năm (2022-2-2023) áp dụng cơ chế đặc thù, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án. Cơ chế đặc thù trên nhằm giải quyết nhanh nguồn vật liệu cho dự án.

Đáng tiếc là quá trình thực hiện trên thực tế cho thấy, việc bố trí mỏ vật liệu cho nhà thầu đang rơi vào tình trạng “muốn nhanh cũng không nhanh được”.

Một trong những nguyên nhân chậm trễ liên quan đến thủ tục chuyển đổi đất rừng rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Hơn nữa, các hộ dân yêu cầu mức giá cao gấp 2-3 lần so với mức Nhà nước quy định, làm các nhà thầu không biết đâu mà lần.

Đơn cử như tại các dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng có 11 mỏ vật liệu (3 mỏ cát, 8 mỏ đất). Ban quản lý Dự án Thăng Long cho biết, đến nay các mỏ đang trong quá trình thỏa thuận giá với dân, trong số này có mỏ đã đền bù xong, nhưng nhà thầu phải chấp nhận mức giá bồi thường cao hơn so với giá nhà nước.

Đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi, mỏ đất được chính quyền địa phương áp giá 120 triệu đồng/ha nhưng có hộ lại đòi tới mức 750 triệu đồng/ ha. Có trường hợp, nhà thầu chỉ cần khai thác trữ lượng đất trên diện tích 1-2ha, nhưng các hộ dân lại yêu cầu phải lấy hết cả diện tích lớn gấp 2 lần vì họ cho rằng, phần diện tích còn lại không canh tác được, nên ép nhà thầu bồi thường hết mới chấp nhận bàn giao đất.

Khách quan mà nói, các nhà thầu phải đứng ra thỏa thuận với dân lấy đất ở phạm vi ngoài dự án đang gặp những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ nhất, việc nhà thầu thỏa thuận với dân, nhưng mức chi trả bồi thường phải theo giá Nhà nước thì rất khó, bởi khi thực hiện thỏa thuận các hộ dân có quyền đồng ý hoặc không.

Thứ hai, nếu bồi thường theo giá Nhà nước, các hộ dân thường không đồng ý nên buộc nhà thầu phải chấp nhận chi trả với mức giá cao hơn để sớm có nguồn vật liệu.

Thế nhưng khi nhà thầu chi trả mức bồi thường cao hơn nức Nhà nước quy định, chủ đầu tư sẽ khó xác định cơ sở thanh toán cho nhà thầu sau này khi mỗi nơi bồi thường một giá.

Trong khi với cơ chế thỏa thuận các chính quyền địa phương khó có chế tài xử lý đối với trường hợp chủ đất không hợp tác, đầu cơ, hét giá cao so với giá nhà nước.

Cần tháo gỡ nhanh vướng mắc

Tháng 6 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có hướng dẫn khai thác khoảng sản thông thường phục vụ các dự án cao tốc Bắc – Nam tới các tỉnh thành có dự án đi qua.

Theo đó, đối với các khu mỏ không thuộc các hạng mục của dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm d, khoản 3, điều 62 luật đất đai.

Do đó, chủ đầu tư thực hiện sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điều 73 Luật Đất đai.

Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý dự án cao tốc Bắc Nam cho biết, khi triển khai hướng dẫn này “vẫn rất vướng”. Lý do là trong quá trình thỏa thuận với các hộ dân, nhà thầu không phải là nhà đầu tư mỏ như theo quy định tại điều 73 của Luật Đất đai mà chỉ được giao khu vực, công suất nguồn vật liệu và khai thác đưa về thi công dự án.

Nhà thầu chỉ thuê đất, nộp tiền phí khai thác đất, sau khi khai thác đủ đất làm đường họ trả lại khu vực đó cho chủ đất. Nếu chủ đất cần trồng rừng thay thế thì nhà thầu nộp tiền trồng rừng thay thế.

Để giải quyết căn cơ vướng mắc trong quá trình nhà thầu thỏa thuận bồi thường với các hộ dân, cơ quan quản lý Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng mức giá đất đai, tài sản trên đất thì nhà thầu mới làm được.

Bộ TN&MT cần có hướng dẫn cụ thể để địa phương hỗ trợ nhà thầu trong quá trình thỏa thuận với các hộ dân, đảm bảo cơ sở để nhà thầu làm đúng quy định.

UBND các tỉnh cần thành lập Hội đồng xác định công trình kiến trúc trên đất để cơ quan có thẩm quyền xác định đơn giá vật liệu (chi phí hợp lệ), đảm bảo đúng quy định của nhà nước.

Liên quan đến việc nhà thầu lấy đất trồng rừng làm mỏ vật liệu phải bố trí đất trồng rừng thay thế theo Thông tư 25/2022 của Bộ NN&PTNT, hiện nay nhiều địa phương không còn đất bố trí nên khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục cấp mỏ đang phải “nằm chờ” hướng dẫn.

Do vậy, Bộ NN&PTNT cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương tạm duyệt một mức giá nào đó (theo ha) để các nhà thầu hoàn thành thủ tục nộp tiền đất trồng rừng. Sau khi tìm được đất, lập dự toán phê duyệt sẽ nộp bổ sung sau. Thực hiện như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam.

Cơ chế đặc thù cấp mỏ cho nhà thầu cao tốc Bắc Nam được áp dụng chỉ đến hết năm 2023.

Thời gian chỉ còn hơn 3 tháng, trong bối cảnh các dự án đang bị chậm vì thiếu nguồn cung vật liệu, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu thì cơ quan có thẩm quyền cần có những hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở thực hiện cấp mỏ cho dự án.

Vũ Điệp – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang thiếu cát (Ảnh: TC)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/thieu-vat-lieu-lot-duong-cao-toc-bac-nam-2182707.html