ĐBSCL: Thiếu cát, nhiều công trình ngưng trệ

Gần đây, khi nhiều tỉnh thượng nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ngưng khai thác cát, mặt hàng cát trong vùng ĐBSCL bắt đầu khan hiếm.

Khoảng 2 tuần nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật liệu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cạn nguồn cát san lấp để bán cho khách hàng. Dù giá cát hiện nay tăng ở mức cao (cát san lấp giá trên 230.000 đồng/m3, cát xây dựng 320.000 đồng/m3) nhưng hầu hết các bãi vật liệu xây dựng đều hết hàng.

Ông Nguyễn Minh Hải, chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng cùng tâm trạng chung với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Ông Đức cho biết: “Hơn nửa tháng nay, tôi có mua bán cát được đâu.Ở tỉnh Vĩnh Long có mỏ cát còn hoạt động nhưng họ không xuất cho tỉnh khác. Mấy ngày nay không có nguồn cát để mua, bây giờ kiến nghị cho mấy mỏ cát trên địa bàn tỉnh mở sớm, toàn bộ các khu vực đã hết cát. Mấy doanh nghiệp có hợp đồng cũng phải chịu, không phải đền hợp đồng nhưng mà không thực hiện được hợp đồng nữa”.

Công trình cầu Rạch Miễu đang thiếu cát thi công - Ảnh: Mỹ Tho

Công trình cầu Rạch Miễu đang thiếu cát thi công – Ảnh: Mỹ Tho

Cát là vật liệu chính trong các công trình xây dựng, nhất là các dự án giao thông, bờ kè… Do thiếu nguồn cát nên hầu hết các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ chậm trễ so với tiến độ đề ra.

Ông Võ Văn Khánh, Giám đốc công ty TNHH Xây dựng Khánh Khanh tại thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhà thầu đang thi công nhiều công trình đường giao thông bức xúc: “Tôi cố gắng làm theo tiến độ, nhưng tiến độ công trình bị chậm. Hiện nay 100% công trình có 99% công trình thiếu cát”

Những ghe của "cát tặc" bị bắt giữ gần cầu Rạch Miễu 2 - Ảnh: Mỹ Tho

Những ghe của “cát tặc” bị bắt giữ gần cầu Rạch Miễu 2 – Ảnh: Mỹ Tho

Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối liền tỉnh Tiền Giang và Bến Tre hiện nay gặp vấn đề thiếu cát san lấp mặt bằng rất trầm trọng. Nhiều gói thầu đang thi công dở dang và bị ngưng trệ do hết nguồn cát.

Ông Võ Quốc Cường, Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Tân Nam, phụ trách 2 gói thầu XL 03 và XL 05 dự án cầu Rạch Miễu 2 cho biết: “Chúng tôi đang khó khăn về nguồn cát, hiện tại phải ngưng 2 tuần nay rồi do chưa kiếm được nguồn cát để triển khai.

Mấy đơn vị ở các tỉnh bị thu hồi giấy phép thành ra không khai thác được nên ảnh hưởng đến tiến độ. Chúng tôi đã báo cáo lên chủ đầu tư nhờ chủ đầu tư kiếm nguồn cát”.

Nhiều công trình giao thông ở Tiền Giang, Bến Tre cần lượng cát lớn - Ảnh: Mỹ Tho

Nhiều công trình giao thông ở Tiền Giang, Bến Tre cần lượng cát lớn – Ảnh: Mỹ Tho

Tiền Giang và Bến Tre hiện có rất nhiều công trình, dự án xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công của nhà nước có quy mô lớn như: cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, kênh Chợ Gạo, đường tỉnh 864 Cái Bè- Gò Công (Tiền Giang).

Trong tương lai khu vực này còn có nhiều dự án liên vùng có quy mô lớn như trục đường ven biển; cầu Đình Khao; đường Đồng Tháp Mười (Tiền Giang); các dự án khu công nghiệp…

Do đó, nguồn vật liệu cát phục vụ cho việc san lấp mặt bằng, cát xây dựng cần rất lớn. Trong khi đó, các mỏ cát đã được quy hoạch, thăm dò trên hệ thống sông lớn tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre chậm triển khai, thực hiện các quy trình, thủ tục để khai thác cần được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm.

Nguồn cát ở vùng ĐBSCL khan hiếm dẫn đến giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình dự án. Từ khan hiếm cát sẽ xảy ra tình trạng bơm hút cát trái phép trên sông để thu lợi bất chính, gây ra những hệ lụy sạt lở bờ sông nhiều nơi.

Mỹ Tho/MTG

Theo Một Thế Giới

Ảnh: Cát trong vùng ĐBSCL bắt đầu khan hiếm – Ảnh: Mỹ Tho

Xem bài viết gốc tại đây:

https://1thegioi.vn/dbscl-thieu-cat-nhieu-cong-trinh-ngung-tre-204668.html