Trong bối cảnh giao thông đường bộ đang gặp nhiều thách thức thì phát triển giao thông đường thủy sẽ là giải pháp giúp TP.HCM giảm tải cho đường bộ và đặc biệt là thúc đẩy du lịch.
Trong kỳ trước, chúng tôi có nêu sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM). Đây là Dự án sẽ giúp phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, giúp TP.HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển.
Một chi tiết thú vị cần nhắc đến Đoàn công tác Chính phủ đã xuất phát từ bến Bạch Đằng, di chuyển đến cù lao Phú Lợi (địa điểm xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) bằng tàu thủy cao tốc.
Do giao thông đường bộ hiện nay từ nội đô TP.HCM tới Cần Giờ còn hạn chế do chưa xây cầu nối Nhà Bè tới Cần Giờ (phải di chuyển bằng phà) nên việc di chuyển bằng đường thủy từ Quận 1 đến Cần Giờ hay nói cách khác là từ trung tâm nội đô TP.HCM ra biển thì bằng đường thủy tiện hơn. Trong tương lai, dù có cầu Cần Giờ thì giao thông đường thủy vẫn là lĩnh vực cần đầu tư phát triển.
Chuyến đi bằng đường thủy của đoàn công tác Chính phủ cũng nhắc nhở cho TP.HCM thấy thành phố đang có lợi thế rất lớn trong giao thông đường thủy cần đánh thức. Tại sao nói vậy?
Việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế bao hàm hai điều: Thứ nhất là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước. Thứ hai là thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô thành phố. Khi di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô thì sông Sài Gòn không chịu sức nặng của việc vận chuyển hàng hóa nhiều như trước và có thể lo cho phục vụ du lịch.
Đó chính là cơ sở để đầu tháng 8 vừa qua, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2023-2025. Có thể coi đây là những viên gạch đặt nền móng cho những chiến lược dài hơi hơn sau này.
Kế hoạch nhằm hướng tới mục tiêu, đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Theo kế hoạch: Số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đến thành phố bằng đường tàu biển trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100 ngàn lượt khách và tăng khoảng 12% – 15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.
Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của TP.HCM. Phấn đấu, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.
TP.HCM có địa hình nhiều kênh rạch. Đây là hạn chế trong việc phát triển giao thông đường bộ, nhất là khi xảy ra triều cường. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ giao thông đường thủy thì đó lại là lợi thế. Lợi thế tiềm năng giao thông đường thủy trước giờ chưa được đánh giá đúng mức. Nhưng trong bối cảnh giao thông đường bộ đang gặp nhiều thách thức thì phát triển giao thông đường thủy sẽ là giải pháp giúp TP.HCM giảm tải cho đường bộ và đặc biệt là thúc đẩy du lịch.
Hệ thống giao thông đường thủy tốt có thể giúp người dân đi từ Củ Chi tới Cần Giờ với thời gian rút ngắn, khai thác tiềm năng những địa điểm khó tiếp cận bằng đường bộ. Đặc biệt, đường thủy có thể giúp cho TP.HCM có thêm các sản phẩm du lịch trong bối cảnh Thành phố đang thiếu những nơi thu hút du khách. Đáng ra điều này cần được làm từ lâu nhưng đẩy mạnh phát triển giờ này vẫn chưa muộn.
Nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch đường thủy trong giai đoạn 2023 – 2024: Cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có gồm: nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (là các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10 km): Tuyến du lịch đi Bình Quới (hướng tuyến từ Bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Thanh Đa – bến Thanh Đa, Bình Quới… và ngược lại); Tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè (hướng tuyến từ bến Thị Nghè trở về phía thượng lưu đến bến chùa Candaransi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và ngược lại). Nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung (là các tour trên sông có bán kính từ 10 km đến dưới 60km): Tuyến du lịch đi Củ Chi (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Thanh Đa – sông Sài Gòn – bến Đình, bến Dược thuộc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi); Tuyến du lịch đi Cần Giờ (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – sông Nhà Bè – sông Lòng Tàu – sông Dinh Bà – sông Lò Rèn – sông Vàm Sát – sông Soài Rạp).
Giai đoạn 2024 – 2025: Đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới. Ở nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (là các tour trên sông có bán kính dưới 10 km): Tuyến du lịch đi Quận 7 (hướng tuyến từ bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đỉa), bổ sung các bến thủy nội địa trên tuyến: bến Cù Lao Nguyễn Kiệu, bến Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bến Khu dân cư Trung Sơn, bến Công viên Him Lam…
Xây dựng chương trình du lịch mới trên tuyến: Điểm đầu: bến Bạch Đằng (Quận 1)/bến Cầu Mống (Quận 4) – Điểm cuối: bến Ngôi Sao Việt (Quận 7); Tuyến du lịch đi Quận 1, 4, 5, 6 và Quận 8 (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng/bến Cầu Mống – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – kênh Bến Nghé – kênh Tàu Hũ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi – Đình Bình Đông – Chợ đầu mối Bình Điền)
Nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung (là các tour trên sông có bán kính từ 10 km đến dưới 60km): Tuyến du lịch đi Thành phố Thủ Đức (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – rạch Chiếc – rạch Trau Trảu – rạch ông Nhiêu – sông Tắc – sông Đồng Nai – bến chùa Hội Sơn).
Nhóm các sản phẩm du lịch tầm xa (là các chương trình du lịch từ TPHCM đi các tỉnh trong khu vực): Tuyến đường thủy xuất phát từ khu vực trung tâm Thành phố như: cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống… đi các tỉnh như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc – An Giang để kết nối qua Campuchia.
Tầm nhìn phát triển du lịch đường thủy 2023-2025
Hồ Đông/MTG
Theo Một Thế Giới
Xem bài viết gốc tại đây:
https://1thegioi.vn/can-danh-thuc-giao-thong-duong-thuy-tai-tp-hcm-203330.html