Dự án kiểm soát ngập do triều với diện tích 750 km2 phục vụ khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM khởi công từ năm 2016 rồi nhiều lần ngừng lại, đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được khởi công năm 2016, hạng mục chính gồm 6 cống ngăn triều lớn gồm: Cống Mương Chuối, cống Bến Nghé, cống Phú Xuân, cống Cây Khô, cống Phú Định, cống Tân Thuận…
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, giúp cải tạo cảnh quan đô thị, hỗ trợ điều tiết mực nước hệ thống kênh rạch. Đến nay, ngoại trừ cống Mương Chuối từng được tái khởi động, các cống khác của dự án đã ngừng thi công từ tháng 8/2020, dù đã hoàn thành 85-97% tiến độ.
Cống Mương Chuối là công trình kiểm soát triều tại sông Mương Chuối (huyện Nhà Bè) có quy mô lớn nhất trong 6 cống ngăn triều của toàn dự án. Cống dài hơn 200 m, có 4 cửa van ngăn nước trọng lượng từ 230 – 320 tấn đã được lắp đặt. Mới nhất vào tháng 3 năm nay, cống Mương Chuối được khởi động lại, tuy nhiên sau đó lại ngừng thi công.
Nhiều hạng mục phụ trợ tại cống Mương Chuối như nhà làm việc, hạ tầng giao thông, cáp, lưới điện, kè… vẫn còn dang dở sau nhiều năm.
Cống thứ hai của dự án có tên Bến Nghé, nằm cạnh cầu Mống, thuộc quận 1. Cống này có thiết kế khác biệt so với hệ thống cống ngăn triều còn lại của dự án như được lắp cửa van nặng 434 tấn, hình vòng cung chìm 40 m. Điều này được cho là để hài hòa với không gian đô thị xung quanh. Công trình hoàn thành 97% khối lượng thi công nhưng đã tạm ngừng trong nhiều năm. Phòng điều hành, trạm bơm và một số hạng mục phụ trợ cống vẫn còn dang dở.
Cống Phú Định được xây lắp tại Kênh Đôi (quận 8) có chức năng ngăn triều, kiểm soát nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm TP.HCM. Cống Phú Định đã hoàn thành lắp cửa van 230 tấn nhưng nhiều hạng mục khác vẫn dang dở sau nhiều năm ngừng thi công, một số kết cấu công trình có dấu hiệu xuống cấp.
Cống Tân Thuận (quận 7) được lắp đặt tại khu vực kênh Tẻ, nằm gần như song song với cầu Tân Thuận 2, hướng giao với sông Sài Gòn. Công trình ngừng thi công trong nhiều năm sau dù đạt 93% tiến độ.
Ghi nhận của VietNamNet, các hạng mục chính của cống Tân Thuận như cửa van, âu thuyền, máy bơm công suất lớn… đã cơ bản hoàn thiện. Cống được đánh giá có vị trí rất quan trọng, khi trực tiếp điều tiết nguồn nước sông Sài Gòn đổ vào cửa ngõ quận 7 của thành phố.
Công trình cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) bỏ hoang sau nhiều năm không được thi công, dù đạt khoảng 90% tiến độ. Hai cửa van nặng 212 tấn của cống đã được lắp đặt xong. Nhà làm việc và nhiều hạng mục phụ trợ khác còn dang dở, nhếch nhác.
Cống Cây Khô đạt khoảng 85% thì ngừng thi công. Đây là cống có vị trí xa trung tâm thành phố nhất, thuộc khu vực huyện Bình Chánh – Nhà Bè. Cống có chức năng ngăn triều, điều tiết nguồn nước từ sông Soài Rạp, sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm TP.HCM.
Dự án do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Dự án ngưng trệ, chậm tiến độ trong nhiều năm vì vướng giải phóng mặt bằng, khó khăn về vốn (gia hạn khoản tín dụng) và những vướng mắc liên quan phụ lục hợp đồng BT.
Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM bắt đầu có hiệu lực từ 1/8, trong đó có nghiên cứu giải pháp, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho những công trình trọng điểm được thực hiện theo hợp đồng BT. Đây được xem là tín hiệu khả quan để nhà đầu tư, chính quyền thành phố tìm ra phương án tái khởi động toàn dự án, sớm hoàn thành. |
Hoàng Giám – Hoàng Thuấn – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vietnamnet.vn/sieu-du-an-chong-ngap-10-000-ty-cua-tp-hcm-nhieu-nam-dang-do-2172445.html