Nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện.
Quá trình đô thị hóa, đi kèm với sự phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số ở địa phương làm cho công tác môi trường đô thị gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều áp lực của xã hội. Trong khi yêu cầu nguồn lực cho đổi mới công nghệ thu gom, xử lý chất thải, cơ chế đấu thầu; công tác xã hội hóa về môi trường; đặc biệt đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc và tình hình bão lụt xảy ra liên tục những tháng cuối năm 2020, 2021… là những thách thức lớn đặt ra cho các đơn vị trong ngành, đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị thể hiện được vai trò của mình với cộng đồng và chính quyền địa phương.
Tổng quan hoạt động của các đơn vị vệ sinh môi trường KV miền Trung- Tây Nguyên
Công tác đổi mới doanh nghiệp
Sau khi chuyển đổi, hầu hết các đơn vị có sự phát triển tốt, phát huy, kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ của người lao động từ doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm đời sống CNVC- NLĐ, không có tình trạng sau sắp xếp người lao động mất việc làm hoặc việc làm không ổn định.
Bên cạnh đó, các đơn vị KV miền Trung- Tây Nguyên là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, hóa chất, công nghệ môi trường cũng không ngừng đổi mới hình thức, mô hình hoạt động, uyển chuyển thích ứng với sự thay đổi không ngừng của môi trường và phương thức kinh doanh.
Công tác thu gom rác thải
Trong những năm gần đây, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường KV miền Trung-Tây Nguyên đã thực hiện cơ giới hóa, đầu tư xe tải nhỏ, xe điện 3 bánh để thu gom rác như Công ty Cổ phần Môi trường Huế, Đông Hà, Quảng Bình, Phú Yên, Nha Trang, ĐakLak, Bình Định, Hà Tĩnh, Đà Nẵng; một số đơn vị đã đầu tư xe đạp điện trợ lực để nhặt rác tại trung tâm các đô thị như tại Huế, Quy Nhơn nhằm quảng bá hình ảnh và tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường. Hình thức thu gom bằng cơ giới đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng năng suất lao động; giảm thiểu được các điểm trung chuyển, nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường.
Tại một số đơn vị, các trạm trung chuyển rác đang dần bị thu hẹp và xóa toàn bộ đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thu gom vận chuyển rác tại các khu dân cư; thay vào đó nhiều đơn vị đã tạo các điểm tập kết rác tạm thời trên đường phố để chờ xe đến nâng, một số điểm được che chắn bằng các bảng pa – nô có các hình tượng, phong cảnh bảo vệ môi trường tạo nên cảnh quang đẹp và góp phần tuyên tuyền trong nhân dân; còn hầu hết vẫn còn nhếch nhác.
Công tác thu tiền dịch vụ thu gom và vận chuyển rác thải
Hiện nay, các đơn vị vệ sinh môi trường KV miền Trung-Tây Nguyên đã và đang tập trung chuyển đổi sang sử dụng Hóa đơn điện tử theo quy định. Một số đơn vị đã triển khai thu không dùng tiền mặt thông qua các ví điện tử như Momo, VNPTpay, Viettel pay… như Công ty Cổ phần Môi trường Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, Bình Định, Nha Trang, Đông Hà, Kon Tum…
Phân loại rác tại nguồn: Trong thời gian qua, trong khu vực đã có nhiều đề án phân loại rác được phê duyệt và triển khai thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương như tại thành phố Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Pleiku, Buôn Ma Thuộc, Lệ Thủy…
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền địa phương và các đơn vị trong ngành môi trường. Các đơn vị trong Hội đã chủ động triển khai nhiều chương trình, mô hình phân loại rác tại nguồn như tại thành phố Đông Hà đang triển khai mô hình thí điểm ủ phân compost tại nhà cho 130 hộ thuộc địa bàn phường Đông Thanh; Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường thành phố, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) triển khai dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) trên toàn địa bàn thành phố do JICA tài trợ
Bên cạnh chương trình phân loại rác tại nguồn của chính quyền các địa phương, một số đơn vị khu vực miền Trung- Tây Nguyên như Công ty Cổ phần Môi trường Hội An, Phú Yên, Huế… đã liên kết với các tổ chức như GreenHub, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam- PRO thực hiện nhiều chương trình phân loại rác tại nguồn, bước đầu đạt được một số thành công nhất định.
Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, nhìn chung các đơn vị hội viên còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như chính quyền địa phương chậm vào cuộc; chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân; chính quyền không áp dụng triệt để các chế tài đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện phân loại rác tại nguồn hoặc đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định; chưa có chính sách khuyến khích đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện phân loại rác tại nguồn; chưa có công nghệ tái chế sau phân loại phù hợp; đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải rắn chưa được chính quyền địa phương quan tâm điều chỉnh phù hợp gây áp lực không nhỏ đến phương án tổ chức sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Công tác xử lý rác thải: Hiện nay, tại KV miền Trung-Tây Nguyên chủ yếu dùng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh và xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp cơ sinh học. Quá trình chôn lấp rác thải đều có sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu tối đa sự phát tán ô nhiễm và vận hành bãi rác hợp vệ sinh theo đúng các quy định đối với công tác quản lý chất thải rắn.
Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 có quy mô lớn nhất, xử lý hơn 40% lượng rác thải toàn Quảng Nam.
Một số đơn vị đã nghiên cứu, áp dụng những phương pháp xử lý mới, tiên tiến như công nghệ ủ rác làm phân compost, đốt rác… như Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hội An; Công ty Cổ phần Đô thị Bình Định. Công tác sản xuất phân compost chưa phù hợp với công suất thiết kế, khâu tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Tại Đà Nẵng đã tiến hành triển khai Dự án sản xuất phân bón lỏng Biomas từ chất thải nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh đô thị và hỗ trợ nông dân ở thành phố Đà Nẵng. Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam thực hiện mô hình xử lý rác thải sinh hoạt thu hồi Biogas và sản xuất phân bón khoáng hữu cơ; hiện đang trong quá trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất phân compost.
Nhiều địa phương trong thời gian qua đã và đang tiến hành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhà máy xử lý, Bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các trạm thu gom, khu vực xử lý rác công nghiệp nguy hại phù hợp với quy hoạch chung của từng địa phương.
Công tác đấu thầu theo Luật đấu thầu 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 và Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 quy định về việc Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
Trong thời gian qua, một số địa phương trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã tổ chức đấu thầu trong công tác vệ sinh môi trường, cây xanh đô thị… như ở địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Hội An, huyện Phú Vang- tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Quy Nhơn, thành phố Tuy Hòa- tỉnh Phú Yên, thành phố PleiKu- tỉnh Gia Lai, thành phố KonTom tỉnh KonTum, thành phố Buôn Ma Thuột- tỉnh ĐakLak, thành phố Nha Trang- tỉnh Khánh Hòa…
Các đơn vị trong khu vực là những đơn vị có thâm niên công tác trong lĩnh vực vệ sinh môi trường; lực lượng CBCNV-NLĐ đông đảo, có kinh nghiệm trong công tác thực tiễn, có tay nghề; có đầy đủ trang thiết bị, máy móc, phương tiện, công cụ, công nghệ… nên luôn đáp ứng các tiêu chí và tiêu chuẩn dự thầu.
Bên cạnh những thuận lợi trong công tác đấu thầu, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn- vướng mắc nhất định, cụ thể:
Đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải còn thấp; giá trị các gói thầu tăng ít hoặc thậm chí giữ nguyên qua các giai đoạn khác nhau trong khi yêu cầu chất lượng và khối lượng công việc ngày càng tăng lên, giá cả đầu vào như nhiên liệu, nhân công đều tăng so với trước…
Thời gian thực hiện các gói thầu ngắn, có những địa phương thời gian thực hiện gói thầu chỉ 2 năm, thậm chí có địa phương là 1 năm nên các đơn vị khó có thể yên tâm đầu tư nhân lực, trang bị, công nghệ mới.
Bên cạnh đó, có một vài địa phương đấu thầu với quy mô cấp xã nên sau đấu thầu tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rất manh mún, không đồng bộ.
Một số nhà thầu trong và ngoài Hội khu vực sẵn sàng bỏ giá thấp bất thường hoặc đưa năng lực vào bài thầu cao hơn năng lực của những đơn vị đang thực hiện để trúng thầu tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất lòng tin và sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các đơn vị trong khu vực.
Tại một vài địa phương, có một số tiêu chí của bài thầu chưa đáp ứng được cầu trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị.
Bãi rác Khánh Sơn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhiều năm nay ở TP. Đà Nẵng
Công tác truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn các tỉnh thành trực thuộc Hội luôn được các đơn vị, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; Công tác vận động tuyên truyền giữ gìn vệ sinh Môi trường được các đơn vị Hội viên quan tâm chú trọng nhằm huy động thường xuyên sức mạnh của cộng đồng góp phần chung tay bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đã từng bước nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng.
Phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp” được các địa phương duy trì thường xuyên, đã được mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tham gia, các Công ty môi trường luôn là đơn vị nòng cốt mỗi khi chính quyền địa phương phát động.
Các đơn vị tại KV miền Trung-Tây Nguyên đã chủ động liên kết với các tổ chức như GreenHub, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam- PRO, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp thực hiện các mô hình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ, gìn giữ vệ sinh môi trường.
Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế đã liên kết với Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) xây dựng Trung tâm thông tin môi trường tại trụ sở Công ty, Trung tâm được khánh thành vào tháng 5.2022 đã tạo được hiệu ứng lan tỏa trong công tác truyền thông môi trường.
Bên cạnh đó, các mô hình như “Đổi rác lấy quà”, “Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp”, “Tuyến phố Xanh- Sạch- Đẹp”, “Tuyến đường không rác”, “Phường không rác, Tổ Dân phố không rác, Đường phố văn minh kiểu mẫu”… được các đơn vị tổ chức và duy trì thường xuyên, đã được mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tham gia…
Nhờ công tác tuyên truyền tốt nên công tác vệ sinh môi trường thường xuyên nói chung và công tác đảm bảo vệ sinh môi trường các đợt phục vụ Tết Nguyên đán, các Lễ hội nhân các sự kiện chính trị văn hóa lớn của tỉnh, thành phố và của đất nước các đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhiều lực lượng ở phường Thuận An – thành phố Huế trồng hoa ở các tuyến đường. Ảnh IT
Công tác chăm lo đời sống người lao động
Nhằm thực hiện có kết quả công tác chăm lo đời sống cho người lao động, các đơn vị trong khu vực đã bảo đảm được việc làm và ổn định được đời sống của người lao động. Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức Hội nghị người lao động, lấy ý kiến và thông qua người lao động về các quy định, quy chế ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động như: Quy chế quản lý tài chính và chi tiêu nội bộ, Quy chế dân chủ cơ sở, Quy chế trả lương, Quy chế thị đua- khen thưởng..
Do điều kiện đặc thù trong lĩnh vực vệ sinh đô thị, người lao động phải thường xuyên tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh tật, tai nạn lao động cũng như tai nạn giao thông nên việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động là hết sức cần thiết. Nhận thức rõ vấn đề này trong những năm qua, các đơn vị hội viên thuộc khu vực miền Trung- Tây Nguyên luôn có những chính sách, chế độ đãi ngộ với người lao động như:
Hàng tháng có chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động (đường, sữa); định kỳ khám sức khỏe cho người lao động, đảm bảo ít nhất 1 lần/năm, có đơn vị tổ chức 2 lần trong năm.
Trang bị bảo hộ lao động đúng và đủ theo đặc thù công việc, luôn cải tiến về mẫu mã, nâng cao chất lượng để giảm thiểu tối đa mức độ tác động của ô nhiễm môi trường đến người lao động. Trong thời gian dịch COVID-19, các đơn vị đã tăng cường Bảo hộ lao động và Phương tiện phòng hộ cá nhân cho CBCNV-NLĐ như cấp phát thêm khẩu trang, dung dịch rửa tay diệt khuẩn, áo quần BHLĐ y tế, mặt nạ chống giọt bắn, găng tay y té…
Xây dựng lại các định mức lao động hợp lý để làm căn cứ định mức công việc cho người lao động, đơn giá tiền lương được điều chỉnh kịp thời theo mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo chế độ cho người lao động. Tiền lương bình quân của công nhân thuộc Hội Khu vực trên 5 triệu đồng/ người/tháng. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động như BHXH, BHYT, BHTN.
Người lao động có thành tích xuất sắc, có sáng kiến, có ý tưởng sáng tạo luôn được lãnh đạo đơn vị tiếp nhận và khen thưởng kịp thời. Đặc biệt, các đơn vị trong KV miền Trung-Tây Nguyên đã thực hiện tốt việc tôn vinh người lao động qua hưởng ứng chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động.
Một số đề xuất của các đơn vị vệ sinh môi trường KV miền Trung- Tây Nguyên
Các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản, quy định và hướng dẫn thống nhất cách thu tiền dịch vụ vệ sinh theo khối lượng/thể tích chất thải rắn (Điều 79 Luật Bảo vệ Môi trường) để các địa phương tổ chức triển khai khi thời gian thực hiện chỉ còn hơn 01 năm.
Kiến nghị điều chỉnh hoặc bổ sung Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 đối với lĩnh vực công ích. Cần ưu tiên cho những đơn vị hoạt động công ích tại địa phương và có bề dày hoạt động trong lĩnh công ích trên 20-30 năm.
Ban hành bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số công nghệ, trang thiết bị mới phục vụ công tác vệ sinh môi trường đô thị phù hợp với điều kiện thực tế.
Nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện; Có quy định cụ thể về mức thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt; tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Quy định khoản bù trù đối với trường hợp thất thu.
Kiến nghị chính quyền các địa phương ban hành cụ thể hóa các chế tài xử lý đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có các quy định rõ ràng hơn trong công tác phân loại rác tại nguồn, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm tái chế và hỗ trợ công tác quảng bá sản phẩm tái chế rộng rãi ra cộng đồng./.
Lâm Bình
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Hiện nay Nhà máy rác Nghĩa Kỳ mới xử lý được 52% lượng rác thải, còn 48% đưa vào nhà ủ rác, lưu trữ để tiếp tục xử lý.