(Phapluatmoitruong.vn) – Chính quyền địa phương đang gấp rút tìm kiếm nhà đầu tư nhà máy rác để xử lý tình huống khẩn cấp, đồng thời đưa ra giải pháp cho các nhà máy xử lý rác đã, đang và sẽ có mặt tại đây.
Biến số khó lường từ thực tế
Ba năm trước, ngày 03/02/2020, UBND tỉnh Bến Tre đã công bố Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2021 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, xác định quy hoạch và xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung của tỉnh và lồng ghép vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 30/8/2013 về phê duyệt đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, theo hướng quy hoạch thành các khu xử lý tập trung để kêu gọi đầu tư gồm 4 khu: 1 khu liên hợp xử lý cấp tỉnh tại Châu Thành với diện tích 20 – 30 ha, 3 khu xử lý liên huyện đặt tại Chợ Lách, Ba Tri, Thạnh Phú, với diện tích mỗi khu từ 5 – 10 ha. Riêng các bãi rác hiện hữu cải tạo, nâng cấp xử lý hợp vệ sinh trong giai đoạn ngắn hạn, về lâu dài khi đầu tư hoàn chỉnh các nhà máy xử lý sẽ chuyển thành các trạm trung chuyển hoặc đóng cửa, hình thành các khu công viên cây xanh.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, hiện chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh dao động từ 0,3 – 1,2 kg/người/ngày phụ thuộc vào mức sống và cách tiêu dùng của người dân ở mỗi khu vực. Ước tính tổng lượng rác phát sinh trên toàn tỉnh khoảng hơn 1.000 tấn/ngày; lượng rác thu gom được hơn 350 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị chiếm khoảng 92%, khu vực nông thôn ước đạt khoảng 54%, tỷ lệ người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5%.
Trên thực tế, Bến Tre hiện tại chưa xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh, tất cả lượng rác thải thu gom đều được xử lý bằng hình thức thải đổ tại các bãi rác hở có diện tích nhỏ; khoảng cách đến nhà dân, công trình chưa đảm bảo. Hiện toàn tỉnh có 8 bãi xử lý chất thải rắn đang hoạt động, chủ yếu phục vụ xử lý chất thải rắn cho các khu vực đô thị, có 3 bãi rác được trang bị hệ thống thu gom nước rỉ rác (huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và Ba Tri), nhưng chưa triệt để (chưa có lớp lót đáy hoặc rất sơ sài).
Toàn bộ lượng rác thu gom trên địa bàn thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành và khu vực lân cận được chuyển về bãi chôn lấp rác An Hiệp (huyện Ba Tri). Trước tháng 10/2021, lượng rác này đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định). Đối với một số huyện có hệ thống thu gom và có bãi rác thì rác được vận chuyển tới bãi rác và đổ lộ thiên, để phân hủy tự nhiên có kết hợp phun chế phẩm EM để hạn chế mùi hôi.
“Tình huống khẩn cấp” về môi trường tại bãi rác An Hiệp mà UBND tỉnh công bố vào trung tuần tháng 7/2023 vừa qua là lời cảnh báo về thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những tính toán của nhà hoạch định chính sách.
Bãi rác An Hiệp, tâm điểm của “tình huống khẩn cấp” môi trường ở Bến Tre.
Hai nan đề của chính quyền
Chính quyền tỉnh Bến Tre đang đối diện với 2 nan đề về rác: Giải quyết nhanh tình huống khẩn cấp về xử lý rác và hoàn thiện tốt nhất quy hoạch lâu dài về xử lý rác thải đã đề ra.
Ngay sau ngày công bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh và các ban ngành liên quan liên tục bận rộn tiếp đón các nhà đầu tư đến giúp chính quyền xử lý tình huống. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre, hiện tỉnh đang tiếp nhận các nhà đầu tư từ hai kênh: Nhà đầu tư do huyện Ba Tri đề xuất và nhà đầu tư tự đề xuất. Sau khi tiếp nhận và đưa vào danh mục sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Toàn bộ quy trình này là công khai minh bạch, cơ hội cho các nhà đầu tư đều ngang nhau. Còn theo Sở Khoa học Công nghệ Bến Tre, công nghệ xử lý mà nhà đầu tư thực hiện phải là công nghệ mới, máy móc mới chứ không thể là hàng cũ đưa từ nhà máy khác tới. Ở khía cạnh khác, Sở Tài nguyên Môi trường lưu ý đến địa điểm xây dựng nhà máy phải cách xa khu dân cư ít nhất là 500 m, công nghệ phân loại xử lý phải phù hợp… Trên lý thuyết, các nhà đầu tư đều thuyết minh phương pháp xử lý rác thải của mình, cùng thành tích xử lý rác tại nhiều địa phương, cam kết tài chính và thời gian thực hiện.
Theo ghi nhận của Môi trường và Đô thị điện tử, đã có ít nhất 2 nhà đầu tư lập tờ trình tham gia xây dựng nhà máy, thậm chí có nhà đầu tư như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Bảo Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi thuyết minh với các ban ngành của tỉnh. Ngày 1/8/2023, Liên danh Công ty TNHH Môi trường xanh Tân Phước và Công ty CP H-T Giang San (Tiền Giang) cho biết, đã có tờ trình xin đầu tư dây chuyền xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt thiêu hủy “nhiệt khí hóa tồn tính” tại bãi rác An Hiệp. Theo công ty này, năng lực xử lý của nhà máy có thể đạt trên 100 tấn rác/ngày, công nghệ xử lý mới và rất phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, bãi rác An Hiệp hiện hữu có diện tích 4,8 ha, đang mở rộng thêm 3 ha để dành chỗ cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy. Riêng vấn đề xử lý rác tại bãi rác, ngoài việc tăng cường phun xịt khử mùi, tiêu diệt ruồi nhặng, Ban quản lý bãi rác đang tiến hành xử lý chu đáo triệt để, không để rỉ ra bên ngoài. “Về phía căn cơ, chúng tôi đang tìm kiếm nhà đầu tư làm nhanh theo kiểu rút gọn xây dựng nhà máy xử lý bằng công nghệ tốt nhất để thay thế phương pháp chôn lấp như bây giờ”, ông Tam nói.
Một dây chuyền xử lý rác thải thành điện năng của Công ty H-T Giang San.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo các bãi rác hiện hữu, cũng như đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải mới. Việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác, tỉnh vẫn đang tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, đồng thời tăng cường công tác kêu gọi xã hội hóa các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, địa phương đang cố gắng chi trả 500.000 đồng/tấn rác xử lý cho các nhà đầu tư. Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời xây dựng lộ trình giá dịch vụ cho các hoạt động này đảm bảo chi trả đủ và giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, tình hình kêu gọi đầu tư thực hiện theo quy hoạch đến nay còn nhiều bất cập. Một số địa phương có chủ động kêu gọi đầu tư, nhưng thực tế chưa có nhà đầu tư triển khai dự án. Bến Tre có 8 bãi chôn lấp rác tập trung với tổng diện tích là 13,14 ha, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và kết hợp với đốt. Hầu hết các bãi chôn lấp hở, chưa có hệ thống xử lý nước rỉ rác, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay đã thực hiện đóng cửa bãi rác Phú Hưng TP. Bến Tre (2018) và đã nâng cấp, cải tạo bãi rác huyện Ba Tri (2017); Đang nâng cấp, cải tạo và xử lý ô nhiễm bãi rác huyện Bình Đại, Thạnh Phú bằng nguồn ngân sách tỉnh và hỗ trợ của Trung ương. Bãi rác các huyện Giồng Trôm, Chợ Lách và Mỏ Cày Nam đang được cải tạo, nâng cấp bằng nguồn ngân sách địa phương.
Riêng Nhà máy chế biến rác Bến Tre (công suất 200 tấn/ngày) tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, chậm tiến độ đến 6 năm và do chủ đầu tư cho phép lưu trữ bãi rác tạm nên gây ra ô nhiễm, khiến người dân bức xúc. Sau nhiều lần cân nhắc, tỉnh cũng đã quyết định đóng cửa vào tháng 10/2021. Hiện tại, Tập đoàn Amacao đang tái cơ cấu lại theo mô hình “công viên – bãi rác”, dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm 2026.
Hùng Sơn – Phan Lâm
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Bãi rác An Hiệp, tâm điểm của “tình huống khẩn cấp” môi trường ở Bến Tre.
Xem thêm tại đây:
Bến Tre: “Nóng” chuyện bãi rác!
Bến Tre: “Nóng” chuyện bãi rác! (Bài 2)