(Phapluatmoitruong.vn) – Ngày 15/7/2023, người dân hai xã An Hiệp và An Đức (huyện Ba Tri) bỗng dưng dựng rào chắn, treo băng rôn tại ngã ba đường vào bãi rác An Hiệp – bãi rác lớn nhất huyện, khiến hàng chục xe rác phải dừng đậu dài bên ngoài.
Quá sức chịu đựng!
Những người dân được hỏi đều có cùng câu trả lời: Không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối bay ra từ bãi rác và các loại ruồi nhặng theo đó cũng tấn công vào nhà dân! Thậm chí, một số hộ dân cho biết, họ phải ăn cơm chung với ruồi nhặng trong thời gian gần đây. Các hộ nuôi tôm cá xung quanh bãi rác thì nói rằng, nước rỉ ra từ bên trong bãi rác gây ô nhiễm môi trường khiến họ bị thiệt hại, thậm chí phải ngưng nuôi.
Sự việc nhanh chóng được báo cáo lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Ngay lập tức, một lực lượng lâm thời được thành lập khẩn trương xuống hiện trường. Một mặt, đội ứng cứu gặp gỡ người dân tìm hiểu và thuyết phục họ, mặt khác lực lượng này cũng họp bàn cùng ban quản lý bãi rác tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, sự việc lớn hơn so với dự tính, người dân vẫn chưa chịu rút lui khi các biện pháp thuyết phục, vỗ về của chính quyền chỉ nghiêng về lý thuyết.
Tình hình càng lúc càng nghiêm trọng khi hàng trăm tấn rác không được đưa vào bãi đổ, ảnh hưởng dây chuyền khiến cả thành phố Bến Tre và 2 huyện Châu Thành và Ba Tri tràn đầy rác không được lấy. Chính vì vậy, một tuần sau khi sự cố ở An Hiệp nổ ra, chính quyền tỉnh Bến Tre ban bố tình huống khẩn cấp về môi trường, tâm điểm là bãi rác An Hiệp, làm rúng động giới truyền thông và người dân không chỉ trong tỉnh. Rác trở thành đề tài nóng trong các ban ngành chính quyền và trong câu chuyện hàng ngày của người dân.
Bãi rác An Hiệp vẫn áp dụng biện pháp chôn lấp truyền thống.
Căn nguyên
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri, bãi rác An Hiệp được hình thành vào năm 2009, diện tích khoảng 4,8 ha nhằm tiếp nhận và xử lý khoảng 50 tấn rác thải mỗi ngày cho các hộ dân trong huyện. Thời gian gần đây, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (tại thành phố Bến Tre) gặp sự cố phải đóng cửa nên lượng rác thải từ thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành (giáp ranh thành phố, cũng đổ rác về bãi rác của Nhà máy Bến Tre) được đưa về bãi rác An Hiệp. Tính từ tháng 10/2021 thì bãi rác An Hiệp buộc phải tiếp nhận thêm khoảng từ 120-150 tấn rác thải/ngày, dẫn đến tình trạng quá tải.
Vấn đề tiếp theo là đến thời điểm này, bãi rác An Hiệp vẫn chỉ xử lý rác theo phương pháp thô sơ nhất là chôn lấp nên diện tích bãi rác dần thu hẹp nhanh hơn, cộng với tường bao chưa gia cố và hoàn thiện nên xảy ra việc rò rỉ nước thải, bốc mùi và ruồi nhặng bay khắp nơi … Đó là chưa kể, thời tiết tháng 7/2023 mưa nhiều và liên tục nhiều ngày khiến cho tình trạng càng thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của 132 hộ dân xung quanh bãi rác thuộc 2 xã An Đức và An Hiệp.
Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị điện tử, tình trạng bốc mùi và rò rỉ nước thải từ bãi rác An Hiệp ra xung quanh đã xuất hiện từ lâu. Các hộ dân đã từng phản ánh việc này với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được xem trọng. Khi sự việc xảy ra, mặc dù các cấp ngành tích cực vận động, để người dân hiểu khó khăn hiện tại và tìm giải pháp khắc phục nhanh nhất, nhưng người dân vẫn không đồng tình. Họ yêu cầu chính quyền phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước và ô nhiễm không khí có nguyên nhân là từ bãi rác, thậm chí yêu cầu chính quyền di dời bãi rác đến nơi khác!
Người dân nuôi tôm cá ngay sát tường bao bãi rác.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, phải đến năm 2026, khi nhà máy xử lý rác lớn nhất tỉnh của tập đoàn Amacao đi vào hoạt động thì những vấn đề này mới có thể được giải quyết dứt điểm.
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Hùng Sơn – Phan Lâm
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Băng rôn yêu cầu xử lý môi trường do người dân treo tại đường vào bãi rác An Hiệp.