Sau 4 năm di dời dân cư, nhiều khu vực ở Thượng Thành (Thừa Thiên – Huế) vẫn còn tình trạng nhếch nhác, cỏ mọc um tùm.
Một số công trình ngổn ngang và trở thành nơi hút chích của người nghiện.
Nhếch nhác, hoang tàn…
Sau khoảng 4 năm (2019 – 2023) triển khai với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân Thừa Thiên – Huế, công tác di dời hàng ngàn hộ dân của Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hầu hết các hộ dân bàn giao lại đất cho chính quyền và đã chuyển đến khu tái định cư để bắt đầu cuộc sống mới.
Dự án đã tiến hành di dời người dân sinh sống tạm bợ trên di tích thuộc các khu vực như Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào, Tuyến Phòng Lộ… chuyển đến khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế) để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế.
Tuy nhiên, tại khu vực Thượng Thành sau khi di dời các hộ dân, tình trạng hoang tàn, nhếch nhác vẫn còn tồn tại. Theo tìm hiểu, một số hộ dân vẫn chưa rời đi vì còn một số vướng mắc trong việc giải quyết mặt bằng, thỏa thuận đền bù.
Ông Hoàng Minh Long (trú tại 6/6, đường Xuân 68, phường Thuận Thành) là một trong những hộ dân vẫn chưa chấp nhận giải tỏa mặt bằng, di dời để trả lại đất cho di tích. Ông Long cho rằng, dù nhà cửa đã xuống cấp, nhưng ông vẫn tu sửa lại để ở và chưa thể rời đi vì còn một số vướng mắc trong thỏa thuận đền bù.
Còn anh Hùng Đại Trọng (trú tại số 1/10, đường Xuân 68, phường Thuận Thành) cho biết, gia đình anh đã làm xong thủ tục bàn giao mặt bằng và thỏa thuận được việc bồi thường, tuy nhiên lúc nào được đi thì cũng chưa biết.
“Xung quanh đã giải tỏa, chỉ còn mình nhà tôi, các thủ tục cũng như giấy tờ cũng đã đầy đủ và chúng tôi cũng đã bàn giao mặt bằng, nhưng lúc nào được chuyển đi thì chúng tôi chưa biết và đợi thông báo từ chính quyền”, anh Trọng cho biết.
Nhiều căn nhà chưa tháo dỡ xong, gạch vữa, rác thải vứt ngổn ngang làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị trên di tích.
Theo quan sát, nhiều khu vực xung quanh Thượng Thành vẫn chưa được dọn dẹp chỉnh trang, nhiều công trình nhà cửa của người dân dời đi vẫn còn chưa được tháo dỡ, cây cối và cỏ dại mọc um tùm,… Tất cả đã khiến cảnh quan trở nên nhếch nhác, thậm chí một số nơi trở thành nơi hút chích của các con nghiện.
“Nhiều hộ dân đã rời đi và để lại mặt bằng, đất trống, vì vậy một số người tận dụng đất để trồng cây, trồng rau, chăn nuôi,… Một số nơi tôi thấy còn nhiều vật dụng, cửa cũ, gạch đá, ngói vỡ… vương vãi khắp nơi làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nhiều nơi thì cỏ dại, cây cối mọc um tùm làm cho nơi đây trở thành nơi hút chích, bơm kim tiêm vứt bừa bãi rất nguy hiểm”, ông T. (là người dân sở tại, xin giấu tên) than phiền.
Cổng thành bằng gạch cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ có dấu hiệu rạn nứt nhưng vẫn chưa được dọn dẹp, tôn tạo.
Sớm trả lại nguyên trạng
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, về tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế khu vực Thượng Thành có tổng kinh phí phê duyệt là 125,4 tỉ đồng, đơn vị đã chi trả 122,4 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 97,6%). Hiện tại khu vực Thượng Thành đã có 283/289 hộ có nhà ở đã bàn giao mặt bằng (đạt tỷ lệ 98%).
“Hiện nay có 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó có 2 hộ đã có quyết định cưỡng chế, 4 hộ đang lập thủ tục ban hành quyết định cưỡng chế. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị hoàn thành hồ sơ thủ tục cưỡng chế trong quý III/2023”, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế thông tin.
Vẫn còn một số hộ dân sinh sống tại khu vực Thượng Thành và chưa bàn giao mặt bằng.
Theo tìm hiểu, để tránh tình trạng hoang tàn, nhếch nhác, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đang tiến hành thực hiện các gói thầu dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng. Cụ thể, gói thầu số 8 (quản lý dự án), gói thầu số 9 (giám sát thi công xây dựng) đã thực hiện xong.
Đối với gói thầu số 10 là hạng mục dọn dẹp và hoàn trả mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã lựa chọn được nhà thầu là liên danh Công ty TNHH Anh Quân và Công ty Cổ phần xây lắp và thương mại An Bảo với giá hợp đồng 35,3 tỉ đồng, hợp đồng theo đơn giá cố định. Theo đó, tiến độ thực hiện hợp đồng là 900 ngày, tiến độ cam kết của nhà thầu đến ngày 31/12/2023 hoàn thành (nhưng phải đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 30/10/2023).
Một số nơi trở thành nơi hút chích, kim tiêm vứt bừa bãi.
Bên cạnh đó, để thực hiện thuận lợi đối với gói thầu số 10, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã gửi công văn đề nghị UBND các phường vận động các hộ dân đến nay chưa bàn giao mặt bằng khẩn trương thu dọn, bàn giao mặt bằng trước ngày 30/10/2023.
Đơn vị cũng đã có thông báo khởi công công trình gửi cho Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế, phòng Quản lý đô thị – TP Huế, UBND các phường có liên quan và đã tổ chức bàn giao mặt bằng đợt 1 cho các nhà thầu để triển khai thi công vào ngày 24/6/2023.
Trên công trường, hiện nay nhà thầu đang triển khai 3 tổ thi công, gồm 10 xe múc các loại, 3 xe ủi, 3 xe lu, 20 ô tô vận chuyển và 30 công nhân làm việc.
Động thái này là để chỉnh trang, dọn dẹp lại mặt bằng tránh tình trạng hoang tàn, nhếch nhác, trả lại nguyên trạng ban đầu, tạo hình ảnh khang trang, sạch sẽ, góp phần vào công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi và tôn tạo các công trình di tích lịch sử.
“Dự án di dời dân cư Khu vực 1 Kinh thành Huế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019 – 2021) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 3.467 hộ dân; Giai đoạn II (2022 – 2025) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 1.950 hộ dân. Được biết, hiện UBND TP Huế đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Theo đó, sẽ có trên 1.950 hộ dân được di dời khỏi khu vực Hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế”. |
Hoàng Hải – Đại Dương – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Ảnh: Hiện nay Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế đang triển khai dọn dẹp, hoàn trả mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Xem bài viết gốc tại đây: