Hội Môi trường đô thị và KCN khu vực miền Trung – Tây Nguyên có những bước tiến vượt bậc

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp (MTĐT-KCN) khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ trong lĩnh vực MTĐT, phát huy được vai trò và uy tín đối với chính quyền địa phương.

Hội MTĐT-KCN khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiện có 36 đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển xử lý rác thải và cung cấp vật tư, thiết bị ngành môi trường.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ MTĐT ở từng địa phương, nhiệm kỳ qua, các đơn vị hội viên thuộc Hội MTĐT-KCN khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền đề ra các chủ trương, nghị quyết và chủ động lập kế hoạch, giải pháp cụ thể về vệ sinh môi trường (VSMT).

Nhiều đơn vị đã thực hiện cơ giới hóa, đầu tư xe tải nhỏ, xe điện 3 bánh, xe đạp điện trợ lực để thu gom rác thải; che chắn các điểm tập kết rác tạm thời trên đường phố bằng các bảng pa-nô nhằm quảng bá hình ảnh và tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường. Qua đó đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng năng suất lao động, giảm thiểu được các điểm trung chuyển, nâng cao chất lượng dịch vụ VSMT…

Xác định phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích, góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý…, các đơn vị trong khu vực đã triển khai thực hiện thí điểm các đề án phân loại rác thải tại địa phương.

Nhiều chương trình, mô hình phân loại rác tại nguồn được triển khai hiệu quả, như: TP. Đông Hà (Quảng Trị) với mô hình thí điểm ủ phân compost tại nhà cho 130 hộ thuộc địa bàn phường Đông Thanh; Công ty CP MTĐT Đà Nẵng phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) triển khai dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) trên toàn địa bàn thành phố do JICA tài trợ… Một số đơn vị, như: Công ty CP Môi trường Hội An, Phú Yên, Huế… đã liên kết với các tổ chức GreenHub, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam-PRO… thực hiện nhiều chương trình phân loại rác tại nguồn và bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Song song với công tác phân loại rác tại nguồn, công tác xử lý rác thải cũng được các đơn vị khối MTĐT-KCN khu vực miền Trung-Tây Nguyên quan tâm triển khai.Phần lớn khối lượng chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh và xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp cơ sinh học. Quá trình chôn lấp rác thải đều sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu tối đa sự phát tán ô nhiễm và vận hành bãi rác hợp vệ sinh theo đúng các quy định đối với công tác quản lý chất thải rắn.

tm-img-altKhai mạc Giải bóng đá Môi trường đô thị toàn quốc lần thứ 2-2023 diễn ra vào sáng ngày 21/7/2023 (Khu vực miền Trung- Tây Nguyên)

tm-img-altLễ trao Giải bóng đá Môi trường đô thị toàn quốc lần thứ 2-2023 (Khu vực miền Trung- Tây Nguyên). Trong ảnh: Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh đoạt giải huy chương Đồng.

Ngoài ra, một số đơn vị đã nghiên cứu, áp dụng những phương pháp xử lý mới, tiên tiến như công nghệ ủ rác làm phân compost, đốt rác… Điển hình, như: TP. Đà Nẵng đã tiến hành triển khai dự án sản xuất phân bón lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh đô thị và hỗ trợ nông dân. Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam thực hiện mô hình xử lý rác thải sinh hoạt thu hồi biogas và sản xuất phân bón khoáng hữu cơ.

Nhiều địa phương đã tiến hành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhà máy xử lý, bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các trạm thu gom, khu vực xử lý rác công nghiệp nguy hại; tổ chức đấu thầu trong công tác VSMT, cây xanh đô thị…

Giai đoạn 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, các đơn vị hội viên đã nắm bắt tình hình, học hỏi kinh nghiệm từ Công ty Môi trường TP. Hồ Chí Minh, chủ động hướng dẫn quy trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đến các đơn vị quản lý các khu cách ly, các nhà dân bị cách ly để thống nhất phương án thực hiện, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho công nhân thu gom và tuyệt đối không để mầm bệnh lan ra cộng đồng. Nhiều đơn vị trong hội khu vực đã làm tốt công tác phòng, chống Covid-19, được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Hội MTĐT-KCN khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã tôn vinh người lao động qua việc hưởng ứng chương trình “Cây chổi vàng” do Hiệp Hội MTĐT-KCN Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động; khen thưởng kịp thời đối với người lao động có thành tích xuất sắc, có sáng kiến, ý tưởng sáng tạo.

Giai đoạn 2018-2023, Hiệp hội MTĐT-KCN Việt Nam đã xét tặng cờ thi đua cho 10 tập thể, tặng bằng khen cho 10 tập thể và 5 cá nhân thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và tham gia hoạt động hội.

Các đơn vị hội viên hội khu vực đã chủ động liên kết với các tổ chức: GreenHub, WWF, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam-PRO, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp… thực hiện các mô hình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ, gìn giữ VSMT.

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp” được duy trì thường xuyên, trong đó các công ty môi trường luôn là đơn vị nòng cốt mỗi khi chính quyền địa phương phát động. Các mô hình: “Đổi rác lấy quà”, “Tuyến phố xanh-sạch-đẹp”, “Tuyến đường không rác”, “Phường không rác, tổ dân phố không rác, đường phố văn minh kiểu mẫu”… được tổ chức và duy trì thường xuyên, thu hút sự tham gia của nhân dân và các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội…

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên công tác VSMT thường xuyên, nhất là các dịp lễ, Tết, các lễ hội nhân các sự kiện chính trị văn hóa lớn của tỉnh, thành phố… đều được các đơn vị đã hoàn thành tốt.

tm-img-altCông nhân của Công ty CP Môi trường Bình Định đang thu gom rác. Ảnh: N.P

Cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ trong lĩnh vực MTĐT với điều kiện đặc thù là người lao động phải thường xuyên tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh tật, trong những năm qua, các đơn vị hội viên thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên luôn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc; thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ với người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ; lấy ý kiến và thông qua người lao động về các quy định, quy chế ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; bảo đảm đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cũng như có chế độ bồi dưỡng độc hại và trang bị bảo hộ lao động đúng, đủ theo đặc thù công việc.

Phát huy tinh thần tương thân, tương trợ giữa các đơn vị hội viên, trong những năm 2020-2021, Ban Chấp hành hội khu vực đã kịp thời phân bổ kinh phí ủng hộ khắc phục hậu quả bão lụt đến 9 đơn vị hội viên với kinh phí hỗ trợ 175 triệu đồng; hỗ trợ 3 cán bộ công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, có nhà cửa bị hư hỏng do bão lũ với kinh phí 60 triệu đồng/trường hợp; kết nối hỗ trợ xây dựng 4 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 400 triệu đồng; hỗ trợ Hội MTĐT-KCN khu vực miền Nam và các đơn vị hội viên Hội MTĐT-KCN khu vực miền Trung-Tây Nguyên với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng để phòng, chống dịch Covid-19.

tm-img-altHội Môi trường đô thị và KCN miền Trung- Tây Nguyên phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trao 4 căn nhà tình nghĩa cho công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 400 triệu đồng. Trong ảnh: TS.Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng các nhà tài trợ trao nhà tình nghĩa cho 2 công nhân vệ sinh môi trường thành phố Đà Nẵng năm 2023.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ mới 2023-2028, Hội MTĐT-KCN khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, thực hiện tốt vai trò, vị trí và năng lực trong công tác bảo đảm VSMT tại các địa phương; tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác VSMT, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo của từng địa phương để thu hút các nguồn lực, tiềm năng trong xã hội.

Theo đó, các đơn vị hội viên tăng cường liên kết, nâng cao năng lực đấu thầu nhằm giữ vững thị trường, nâng cao chất lượng VSMT; chú trọng công tác tuyên truyền, phân loại rác tại nguồn, phát huy tối đa sự ủng hộ của chính quyền địa phương để đưa chương trình phân loại rác tại nguồn thực sự đi vào thực chất; tháo gỡ những khó khăn đặc thù về cơ chế chính sách, công nghệ để kêu gọi đầu tư từ ngân sách, từ các thành phần kinh tế khác cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ lợi ích của người lao động.

tm-img-altCông nhân vệ sinh môi trường tại TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) 

Nhằm nâng cao chất lượng VSMT, bảo đảm mỹ quan đô thị, Hội MTĐT-KCN khu vực miền Trung-Tây Nguyên mong muốn Hiệp Hội MTĐT-KCN Việt Nam đề xuất các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương sớm ban hành văn bản, quy định và hướng dẫn thống nhất cách thu tiền dịch vụ vệ sinh theo khối lượng/thể tích chất thải rắn; bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số công nghệ, trang thiết bị mới phục vụ công tác VSMT đô thị; các địa phương ban hành cụ thể hóa các chế tài và tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt… Đặc biệt, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực từ người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Nguyễn Hồng Sơn

Chủ tịch Hội Môi trường đô thị-Khu công nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế

Theo Môi trường & Đô thị điện tử

Ảnh: Hội nghị tổng kết 5 năm (2018-2023) Hội Môi trường đô thị và KCN miền Trung- Tây Nguyên ngày 22/7/2023