Nóng lòng đấu giá đất công

Được kỳ vọng thu về số vốn lớn phục vụ sự phát triển của địa phương nhưng việc tiến hành đấu giá đất công đang chậm so với dự tính

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai, năm 2021, UBND tỉnh này duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng 20 khu đất công nhưng hết năm chỉ có 6 khu đất được đưa ra đấu giá, thu về gần 100 tỉ đồng. Đến năm 2022, tỉnh duyệt kế hoạch đấu giá 15 khu đất công với số tiền ước tính thu về hơn 2.800 tỉ đồng nhưng cả năm chỉ đấu giá được 2 khu. Và năm nay, 2023, đã 6 tháng trôi qua, kết quả cũng không mấy khả quan.

Vướng đủ thứ

Ông Trần Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho hay năm 2023, kế hoạch ban đầu, ngoài các khu đất mới, tỉnh sẽ đấu giá các khu đất còn lại chuyển tiếp từ năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, qua rà soát điều kiện pháp lý, khả năng đấu giá thành công các khu đất, Sở TN-MT chỉ đề xuất đấu giá 3 khu đất công chuyển tiếp từ năm 2022 sang trong năm 2023; các khu còn lại vẫn làm hồ sơ nhưng để đấu giá vào năm 2024. “Ba khu đất trên đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý. Dự kiến chậm nhất đến tháng 9-2023, các khu đất sẽ được đưa ra đấu giá” – ông Vinh khẳng định.

Các đơn vị thẩm định còn gặp khó khăn liên quan đến việc thiếu thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai”.

Ông NGUYỄN NGỌC THƯỜNG, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai

Theo ông Vinh, việc đấu giá đất không được như kỳ vọng vì vướng nhiều hồ sơ, thủ tục như khâu xác định giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá khởi điểm gặp khó khăn do ít đơn vị tham gia tư vấn, thẩm định giá đất; khâu giải phóng mặt bằng để trở thành đất sạch và khu đất đấu giá phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc mặt bằng quy hoạch tổng thể.

Liên quan nguyên nhân chậm đấu giá đất công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên chỉ ra ngoài các điều kiện kể trên, chỉ những khu đất quy hoạch mục đích thương mại mới không cần lập chủ trương đầu tư, còn các khu đất có quy hoạch mục đích hỗn hợp (vừa thương mại vừa nhà ở) phải lập chủ trương đầu tư… dẫn đến chậm đấu giá. “Trên cơ sở danh mục các khu đất đăng ký đấu giá mà Sở TN-MT đã rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có ý kiến về thủ tục này với từng khu đất để các địa phương chủ động làm hồ sơ” – ông Nguyên cho hay.

Ở Bình Dương, theo Sở TN-MT tỉnh này, qua rà soát và phối hợp với các sở ngành, địa phương, sở đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về dự thảo phương án khai thác quỹ đất gồm 36 khu với diện tích gần 18.000 ha. Trong đó có 7 khu đất sạch với tổng diện tích 274 ha do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, xin chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất trong giai đoạn 2022 – 2024; 29 khu vực phát triển đô thị (kết hợp điểm TOD) với tổng diện tích 17.651 ha, quy hoạch gắn liền với các tuyến đường Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM và cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đề xuất thực hiện theo hình thức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trong giai đoạn 2025 – 2030.

Nói về tình hình đấu giá đất ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, cho hay hiện Bến Cát có 2 khu đất theo kế hoạch tỉnh sẽ thực hiện đấu giá trong năm 2023. Đó là khu đất ở An Tây và khu đất trước đây là trụ sở của SABECO. Trong đó, khu đất ở An Tây thuộc thẩm quyền của tỉnh; riêng khu đất còn lại, hiện Bến Cát đang quy hoạch chi tiết 1/500, chuẩn bị thông qua phê duyệt và làm các thủ tục liên quan. “Tỉnh yêu cầu phải đấu giá trong năm nay nhưng các bước thủ tục để đấu giá được thì hơi lâu, giờ chỉ hy vọng kịp tiến độ như yêu cầu…” – ông Ân nói.

Ngoài ra, ông Ân cũng cho biết địa phương này đã có chủ trương lên thành phố, nên đang rất cần kinh phí để đầu tư các công trình giao thông. Hy vọng số tiền đấu giá khu đất SABECO sẽ giúp Bến Cát có thêm nguồn lực thực hiện các công trình đường sá, vì hiện nay rất nhiều khu vực quy hoạch đường nhưng chưa có kinh phí để làm.

Gỡ vướng thẩm định giá

Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, nhìn nhận công tác đấu giá đất thời gian qua, khó nhất vẫn là khâu thẩm định giá. “Phương pháp thẩm định giá đất hiện chưa khoa học và đồng bộ, kết quả khác nhau thì nguy cơ là rất lớn. Thông qua một số vụ việc trên địa bàn tỉnh khi cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán vào kiểm tra thì giá của cơ quan chức năng thẩm định không giống với giá chính quyền tỉnh thẩm định… Tất cả những việc này làm cho khâu thẩm định giá đất của tỉnh bị chậm lại trong một giai đoạn nhất định” – ông Tuấn thừa nhận.

Để lên thành phố, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đang rất cần kinh phí, đặc biệt là từ đấu giá đất công để đầu tư các công trình giao thông. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Để lên thành phố, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đang rất cần kinh phí, đặc biệt là từ đấu giá đất công để đầu tư các công trình giao thông. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh một khó khăn khác là trong một thời gian dài, các cơ quan quản lý nhà nước chưa chuẩn hóa về dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu hầu hết tiến hành làm thủ công nên khi áp vào việc đền bù tốn nhiều thời gian. “Đến nay, các khó khăn trên đã được nỗ lực gỡ vướng. Trên địa bàn tỉnh cũng không còn dự án nào gặp khó khăn trong việc thẩm định giá đất, chỉ có những dự án chưa được phê duyệt vì hồ sơ chưa chuẩn mới phải tiến hành làm lại hoặc điều chỉnh bổ sung” – ông Tuấn khẳng định. Ông cho hay hiện Bình Dương đang quyết liệt xúc tiến khâu thẩm định giá đất giải tỏa thu hồi đất ở dự án đường Vành đai 3, cũng như các dự án trọng điểm khác.

Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thông tin giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu khai thác từ đấu giá đất khoảng 45.000 tỉ đồng nhưng đến nay nguồn thu chưa như kỳ vọng. Lý do là vì 2 năm qua rất ít đơn vị nộp hồ sơ tham gia tư vấn, định giá đất trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ tham gia thẩm định giá đất. Năm 2022, Sở TN-MT đã 2 lần gửi văn bản mời các doanh nghiệp có chức năng tham gia thẩm định giá đất nhưng chỉ vài doanh nghiệp quan tâm nộp hồ sơ. Đến đầu năm 2023, theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, sở này đã tiếp tục gửi hơn 100 thư mời đến các đơn vị tư vấn, thẩm định giá đất trong và ngoài tỉnh nhưng cũng chỉ nhận được 15 hồ sơ phản hồi, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách cả 15 đơn vị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang đốc thúc việc triển khai đấu giá đất, bởi đây là nguồn thu ngân sách, nguồn vốn bố trí cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Hơn thế, việc này cũng thúc đẩy sớm hình thành các dự án hạ tầng nhà ở, thương mại – dịch vụ, công nghiệp và tránh lãng phí nguồn lực đất đai vì chậm đưa vào sử dụng. Nói về việc mỏi mắt tìm các đơn vị thẩm định giá đất khiến nhiều dự án, khu đất dự kiến đấu giá đình trệ, ông Đức cho hay quy định của pháp luật về xác định giá đất cụ thể như hiện nay là chưa bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Khi cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào kết luận có sai phạm đã gây áp lực lớn cho các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến tâm lý e ngại, không an tâm khi thẩm định giá đất. “Vì vậy, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về xác định giá đất. Trong thời gian chờ điều chỉnh, cho phép tỉnh xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng với từng dự án để trình HĐND tỉnh. Từ đây có cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai khi nhà nước giao đất, cho thuê đất và tính tiền bồi thường khi thu hồi đất” – ông Võ Tấn Đức kiến nghị.

Đấu giá 36 khu đất công

Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, để hoàn thành kế hoạch đấu giá 36 khu đất trong năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao sở chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh xây dựng phương án, lập các hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định giá khởi điểm và tổ chức đấu giá quyền sử dụng 3 khu đất chuyển tiếp từ năm 2022 theo quy định; các địa phương chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất ở từng nơi hoàn thiện các thủ tục liên quan để đấu giá quyền sử dụng 33 khu đất cấp huyện đề xuất.

Ba khu đất chuyển tiếp từ năm 2022, dự kiến đem ra đấu giá trong năm 2023 gồm: Khu đất thương mại dịch vụ, diện tích hơn 4.100 m2 tại thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ); khu đất trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở, diện tích hơn 21.700 m2 tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) và khu đất Cụm Công nghiệp Long Giao tại xã Xuân Đường và thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ).

Nguyễn Tuấn – Thảo Nguyễn – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Khu đất Cụm Công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) dự kiến đem ra đấu giá trong năm 2023. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/nong-long-dau-gia-dat-cong-20230703200530928.htm