Ngân hàng thế giới (Worldbank) đã thống kê 10 loại nhựa phổ biến nhất (chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa) rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam.
Biểu đồ tỷ lệ 10 loại rác thải nhựa nhiều nhất rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam
Trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là mảnh nhựa mềm, thứ hai là ngư cụ và sau đó lần lượt là túi nhựa, hộp đựng thực phẩm bằng xốp, mảnh nhựa cứng, ống hút, bao bì khác, các loại nhựa khác và bao bì bim bim/bánh kẹo.
Con số trên được đưa ra trong Báo cáo Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Worldbank. Báo cáo xác định các nguồn và con đường gây ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Dựa trên các cuộc điều tra thực địa, báo cáo phát hiện rằng: Chất thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng; 10 loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ vào đường thủy; hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.
Ngư cụ chiếm tỉ lệ lớn rác thải nhựa bị rò rỉ vào đường thủy tại Việt Nam
Theo Worldbank, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.
Trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sắp được áp đặt đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nylon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Để góp phần hỗ trợ các chương trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa của Chính phủ, Worldbank đề xuất một Lộ trình chính sách nhằm giảm thiểu sử dụng các loại nhựa dùng một lần phổ biến nhất. Ba loại nhựa hàng đầu là: túi nhựa không phân hủy, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa polystyrene giãn nở (EPS) và ống hút nhựa. Các loại nhựa khác bao gồm nhựa được sử dụng trong các cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú.
Một loạt các chính sách để loại bỏ nhựa dùng một lần bao gồm hạn chế lưu hành, thu phí khi sử dụng và lệnh cấm đối với một số loại nhất định. Để tránh các tác động kinh tế đột ngột, lộ trình khuyến nghị cắt giảm nhựa dùng một lần theo giai đoạn, bắt đầu với các hạn chế và phí, sau đó dần dần tiến tới lệnh cấm. Worldbank cũng đề xuất cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, đây là chìa khóa để thực hiện các can thiệp chính sách một cách hiệu quả.
Hải Thanh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025